Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Hỏi: Người cao tuổi (NCT) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng là những trường hợp nào?

Trả lời: Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định: NCT thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng, như sau: NCT thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

b) NCT từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

c) NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.

d) NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Hỏi: Bà tôi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Nếu sang năm bà tôi đủ 80 tuổi, bà có được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng không?

Trả lời: Theo điểm c Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người từ đủ 80 tuổi trở lên là đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng nếu không thuộc cả 2 trường hợp sau đây:

– NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

– Người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Do bà của bạn đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nên không đủ điều kiện nhận thêm trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.

Hỏi: NCT từ đủ 75 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, sống ở địa bàn nào của tỉnh Tây Ninh thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP?

Trả lời: Theo điểm b Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, NCT từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này (người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng) đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn là thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh không có các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn nên không có NCT thuộc diện này được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định trên.

Hỏi: Ngày 15.3.2024, ông tôi tròn 80 tuổi, ông tôi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng. Tôi nghe nói rằng trong trường hợp này, ông tôi sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, đến ngày 20.9.2024 tôi mới sắp xếp được thời gian đến phường để làm hồ sơ hưởng trợ cấp cho ông tôi. Vậy thời gian hưởng trợ cấp của ông tôi tính từ thời điểm nào?

Trả lời: theo điểm đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP: Thời gian hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng kể từ thời điểm người đó đủ 80 tuổi. Do đó, ông bạn sẽ được hưởng trợ cấp từ thời điểm ông tròn 80 tuổi tức là từ tháng 3.2024.

Hỏi: Cho tôi hỏi tại sao anh tôi 36 tuổi, là người khuyết tật đặc biệt nặng, chỉ được hưởng trợ cấp xã hội 1.000.000 đồng/tháng, trong khi ông B, 61 tuổi ở gần nhà tôi cũng là người khuyết tật đặc biệt nặng lại được hưởng trợ cấp 1.250.000 đồng/tháng?

Trả lời: Theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức trợ cấp xã hội hằng tháng được tính bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

– Hệ số 2 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

– Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc NCT là người khuyết tật đặc biệt nặng. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1.7.2024 là 500.000 đồng/tháng. Do đó, anh của bạn, là người khuyết tật đặc biệt nặng, được hưởng mức trợ cấp là 1.000.000 đồng/tháng, tương ứng với hệ số 2 (500.000 đồng x 2). Còn ông B, 61 tuổi, là người khuyết tật đặc biệt nặng và thuộc diện NCT nên được hưởng mức trợ cấp là 1.250.000 đồng/tháng, tương ứng với hệ số 2,5 (500.000 đồng x 2,5) là đúng theo quy định.

Hỏi: Bà Nga 70 tuổi là NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống tại cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội. Chị Quyên ở cùng ấp cảm thương trước hoàn cảnh của bà Nga và muốn nhận nuôi bà. Tuy nhiên, chị Quyên hiện có sức khoẻ yếu và hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn. Vậy chị Quyên có đủ điều kiện nhận nuôi bà Nga hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và NCT đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội được quy định như sau:

a.Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Có sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc người khuyết tật, NCT;

c) Có nơi ở ổn định và nơi ở cho người khuyết tật, NCT;

d) Có điều kiện kinh tế; đ) Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và b khoản này”. Theo các quy định nêu trên, do chị Quyên hiện có sức khoẻ yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị không đủ điều kiện để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bà Nga.

Hỏi: Xin hỏi, các bệnh viện có trách nhiệm gì trong việc khám, chữa bệnh cho NCT và việc ưu tiên khám, chữa bệnh cho NCT được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Điều 12 Luật Người cao tuổi 2009 quy định về khám, chữa bệnh cho NCT như sau: Điều 12. Khám bệnh, chữa bệnh

Việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho NCT được thực hiện như sau:

a) Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng;

b) Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.

Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT;

b) Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là NCT sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình;

c) Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là NCT.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho NCT”.

Hỏi: Xin cho tôi hỏi độ tuổi chúc thọ, mừng thọ NCT được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 21 Luật Người cao tuổi 2009 quy định về chúc thọ, mừng thọ NCT như sau: Điều 21. Chúc thọ, mừng thọ NCT

1.Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.

2.Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.3

3.Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội NCT tại địa phương, gia đình của NCT tổ chức mừng thọ NCT ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:

a)Ngày NCT Việt Nam;

b)Ngày Quốc tế NCT;

c)Tết nguyên đán;

d)Sinh nhật của NCT”.

SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI