Thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi

Báo Đại biểu Nhân dân

Việc làm cho người cao tuổi, đặc biệt tại các đô thị là vấn đề cấp bách trong bối cảnh Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Theo các chuyên gia, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già; tuy nhiên, vẫn có 2/3 số người cao tuổi không được hưởng trợ cấp xã hội phải sống dựa vào con cháu.

Nhiều người cao tuổi vẫn tạo ra thu nhập

Dù có lương hưu, nhưng bà Nguyễn Thị Ngoan, 65 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội vẫn xoay sở làm thêm. Trước là giáo viên mầm non; sau nghỉ hưu nhận trông giữ trẻ, bà Ngoan chia sẻ, “hàng xóm quanh đây có nhiều người có nhu cầu gửi con đi làm, nên tôi nhận trông trẻ, vừa vui cửa vui nhà, vừa có thêm thu nhập”.

w-ve-dep-moi-mien-to-quoc-gt-72-4860.jpg
Nhiều người cao tuổi vẫn có khả năng lao động và khát vọng cống hiến. Nguồn: ITN

Đây không phải là trường hợp cá biệt về người cao tuổi mong muốn tham gia thị trường lao động; theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi hiện chiếm 17% dân số cả nước, tương đương khoảng 17 triệu người; trong đó, chỉ có 27% số người cao tuổi có lương hưu, 23% được nhận trợ cấp xã hội.

“Phần đông người cao tuổi làm nghề nông, họ không có lương hưu; nhiều người trên 60 tuổi vẫn “buôn thúng bán mẹt”, làm ăn buôn bán để có thu nhập. Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách về chăm sóc y tế, cần phải thay đổi quan niệm để có những chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi được tốt hơn và toàn diện hơn” – bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh.

GS.TS. Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, qua 3 cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi (2011, 2019, 2022), nhà trường phát hiện ra thu nhập của người cao tuổi để dành cho cuộc sống hàng ngày chiếm tới 35% – 38%, từ việc tự lao động hàng ngày và có xu hướng tăng lên; phần dựa vào con cái vẫn cao nhưng có xu hướng giảm xuống. Do đó, những công việc có thu nhập bấp bênh, không ổn định sẽ tác động rất nhiều đến người cao tuổi.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những người lao động, người cao tuổi phải đi làm chỉ nhận được tiền lương bằng khoảng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. Người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được nghỉ hưu; những người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp… tuy giảm sút về thể lực nhưng nhiều người còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm, có nhu cầu khởi nghiệp, học nghề để chuyển đổi sang việc làm mới phù hợp hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già. Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn…

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi việc làm

Một vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở khắp các tỉnh, thành phố, nhưng những trung tâm việc làm dành riêng cho người cao tuổi lại chưa có. Việc thiếu các thông tin về việc làm, thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể hay chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu; như giờ làm việc linh hoạt hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. Người cao tuổi thường làm việc trong khu vực phi chính thức, các công việc lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương… Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, “người cao tuổi là nguồn lực để phát triển xã hội. Chúng ta cần tiếp tục động viên người cao tuổi làm những công việc phù hợp, để họ có đời sống tinh thần vui hơn, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập, dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý”.

Ông Phạm Đại Đồng – Trưởng Phòng Người cao tuổi, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, cần có các chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, người cao tuổi không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi cấp xã để họ sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp tình hình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; cần chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.

Còn theo GS.TS. Giang Thanh Long, Chính phủ và toàn xã hội cần có những chính sách cụ thể. Do đó, cần loại bỏ định kiến về người cao tuổi, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về đào tạo, chuyển đổi việc làm, vay vốn ưu đãi cho người cao tuổi; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động cao tuổi, tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường lao động phù hợp với khả năng.

Ông Long cũng chia sẻ, kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, việc yêu cầu doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động làm việc đến 70 tuổi, cũng như cho phép người lao động lựa chọn thời điểm nhận lương hưu linh hoạt hơn đã giúp người cao tuổi có việc làm phù hợp và có thể tự quyết định khi nào nghỉ hưu.