Tính đến nay, ngành y tế TP.HCM đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho 233.000 người cao tuổi, đạt chưa đến 20%.
Ngày 4.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 8.2024, ngành y tế TP.HCM đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, chiếm tỷ lệ 19,5%.
Điều ghi nhận là trong tháng 8.2024 đã có 50.604 người cao tuổi được khám sức khỏe, đây là con số cao nhất tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh cạnh đó, trong đợt khám sức khỏe, thành phố triển khai khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và đánh giá chất lượng cuộc sống. Cụ thể, có 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,3% người cao tuổi có nguy cơ té ngã.
Ngoài ra, có 2,2% người cao tuổi có các hoạt động sống cơ bản hằng ngày cần người khác hỗ trợ (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 7,9% người cao tuổi có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cần người khác hỗ trợ (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà, giặt giũ…)
Để đạt được chỉ tiêu 80% người cao tuổi được khám sức khỏe và sàng lọc bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, trong 3 tháng cuối năm 2024, các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ khám sức khỏe người cao tuổi.
Qua báo cáo của các quận, huyện, tính đến ngày 31.8, 5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe cao nhất là H.Bình Chánh (47,8%); H.Cần Giờ (45,8%); Q. 11 (30,8%); Q.Phú Nhuận (28,7%); Q.4 (26,9%).
Bên cạnh đó, 5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe còn rất thấp là: Q.Bình Tân (10,4%); Q.Tân Phú (10,9%); Q.Tân Bình (11,0%); Q.1 (11,0%); Q.12 (11,5%).
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc khám sức khỏe người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn đảm bảo đầy đủ và đúng tiến độ, nhằm đảm bảo chất lượng và quyền lợi của người cao tuổi.