Tình cờ, tôi gặp GS Đặng Lương Mô từ TP Hồ Chí Minh lên động thổ, xây biệt nghỉ mát gia đình tại Đà Lạt. Ông là người thật giản dị, uyên bác, lịch lãm và kiệm lời. Do đang làm cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nên ít khi thấy ông lên Đà Lạt. Là láng giềng gần, sáng Chủ nhật vừa rồi thấy bà Ánh Xuân (phu nhân GS Đặng) chăm sóc cây kiểng trước nhà, tôi liền hỏi: “GS Đặng có lên không chị?”. Bà bảo có, nhưng trưa nay phải về Sài Gòn rồi. Tôi nói, muốn gặp GS khoảng 2 tiếng được không? bà bảo, điện thoại cho anh ấy xem sao. Tôi liền phôn, GS Đặng bảo, 15 phút nữa mời anh qua nhà uống trà.
GS Đặng Lương Mô. |
Đúng hẹn tôi sang, đã thấy GS Đặng đứng trước vườn nhà. Tôi xin phép GS chụp mấy kiểu ảnh, rồi GS mời tôi lên phòng khách. Đó là một căn phòng rộng, được bài trí theo phong cách Nhật-Việt, thật ấm cúng và sang trọng. Biết GS bận, tôi vào đề ngay: “Xin GS cho biết vài nét về tiểu sử của mình”. Bằng chất giọng Bắc trầm ấm, GS Đặng tâm sự, mình sinh năm 1936, tại Hải Phòng, từng học các Trường Ngô Quyền (Hải Phòng), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Dương), Chu Văn An (Hà Nội). Năm 1954, cùng gia đình vào Sài Gòn, mình học tiếp Trường Chu Văn An (Sài Gòn) và đậu tú tài đôi. Năm 1956, Trường Kĩ sư Công nghệ Sài Gòn được thiết lập, mình thi vào đó và đậu thủ khoa. Đồng thời, đăng kí học cả Đại học Khoa học Sài Gòn. Cũng năm 1956, mình được học bổng, sang Nhật học tiếng Nhật (1 năm) đậu thủ khoa, rồi trúng tuyển vào Đại học Tokyo (The University of Tokyo) ngành Công nghệ Điện tử (Electronic Engincering). Thời đó, ngành Điện tử còn rất mới mẻ trên toàn thế giới. Mình tiếp tục học lên, năm 1968, đỗ Tiến sĩ khoa học tại Nhật. Sau đó, đi làm cho Tập đoàn Toshiba, đến năm 1971, về Sài Gòn. Lúc ấy, được phong Phó Giáo sư, giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh). Năm 1973, làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kĩ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).
Đất nước thống nhất, năm 1975 mình vẫn làm việc ở Sài Gòn. Năm 1976, được Nhà nước cho trở lại Nhật làm việc, đến năm 2002 nghỉ hưu, xin về nước. Từ 2002 đến nay, mình làm cố vấn và giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đang nghe ông tâm sự, thì chuông điện thoại. Ông quay sang xin lỗi tôi và nói qua điện thoại: “Mình đang ở Đà Lạt. Chiều nay có mặt ở Sài Gòn. Mời anh đến nhà, ta cùng bàn kĩ nha”. Tôi tạm “giải lao” uống trà và chụp ảnh. Ngại ông muộn giờ bay, tôi hỏi tiếp: “Công trình khoa học lớn nhất của GS là gì?”. Ông kể, sau vài năm nghiên cứu, sáng tạo, năm 1979, ông công bố “Mô hình Transistor MOSFET” – mô phỏng vi mạch điện tử. Sau đó, mô hình này được Đại học California lồng vào bộ mô phỏng SPICE. Từ đó, mô hình được biết đến với tên gọi Dang Model (Mô hình họ Đặng). Bộ mô phỏng SPICE, từ năm 1980 đến nay luôn đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế vi mạch, được cả thế giới sử dụng. Nhờ vậy, “Dang Model” xuất hiện trên sách giáo khoa và tài liệu vi mạch toàn thế giới. Nói cho dễ hiểu “Dang Model” là công thức tính đặc tuyến linh kiện bán dẫn cơ bản trong vi mạch điện tử. “Còn, việc người Nhật phong GS à?”.
Đến nay, đào tạo được 15 khóa với khoảng 300 thạc sĩ vi mạch (có người đang là giảng viên Đại học trong nước, một số khác ra nước ngoài học tiếp lấy bằng tiến sĩ). Đây là những “viên gạch” tốt xây dựng ngành Điện tử Việt Nam non trẻ. Năm 2005, mình đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Thiết kế Vi mạch. Mình luôn đồng hành cùng Trung tâm và góp phần tích cực với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chế tạo “Con chíp” điện tử đầu tiên mang thương hiệu “Made in Viet Nam”. Rất mừng là, Chính phủ đã công nhận (Công nghệ Vi mạch – vị trí hàng đầu) trong 46 ngành Công nghệ cao được ưu tiên phát triển tại Việt Nam. “Chắc GS còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác?” – tôi hỏi. GS Đặng tâm sự, ông đã vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học Kĩ thuật Việt kiều, Hội Công nghệ Vi mạch TP Hồ Chí Minh, Hội nghị Khoa học Vi mạch (gọi tắt là Hội nghị 4S tổ chức 2 năm 1 lần), Quỹ học bổng Toshiba của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ông đã dùng khá nhiều lương hưu ủng hộ Quỹ). Các tổ chức này hoạt động rất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội đất nước phát triển. “Nghe nói, trước đây GS tham gia xây dựng dự án Đại học Quốc tế tại Đà Lạt?” – tôi tò mò hỏi. Vào nửa đầu thập niên 70 thế kỉ XX – GS Đặng nhớ lại, người Nhật đã xây dựng đề án Đại học Công nghệ Đông Nam Á (South East Asian College of Engineering) tại Đà Lạt, với chi phí khoảng 400 triệu USD (thời bấy giờ lớn lắm). Địa điểm là Trường Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Đà Lạt). Rất tiếc, dự án này bị rơi vào quên lãng.
Gần đây, thời ông Huỳnh Phong Tranh làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, mình tham gia một dự án khác – xây dựng Đại học Quốc tế tại Đà Lạt. Mình đã hướng dẫn nhóm ông Huỳnh Phong Tranh sang Nhật tham quan vài trường đại học có cơ sở, địa lí đồi núi (giống như Đà Lạt) với mục đích, tìm kinh nghiệm để xây dựng Đại học Quốc tế tại Đà Lạt. Rất tiếc, khi ông Huỳnh Phong Tranh ra Hà Nội công tác rồi nghỉ hưu, dự án này chưa thực hiện được. “Đi nhiều biết nhiều, xin GS có lời khuyên để phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch Đà Lạt?” – tôi hỏi. GS Đặng chia sẻ, Đà Lạt là thành phố trên núi, khí hậu ôn hòa, rất lí tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc tế. Nên học cách làm du lịch của Nhật Bản. Tuy nhiên, để Đà Lạt hấp dẫn du khách, cần nhanh chóng nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng, gắn với văn hóa, lễ hội, hội thảo khoa học, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư vào Đà Lạt. Chuông điện thoại của GS lại kêu. Tôi chờ GS đàm thoại xong (bằng tiếng Nhật) rồi xin phép ra về.
GS.TS Đặng Lương Mô được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York; hội viên thượng cấp Hội Kĩ sư Điện-Điện tử-Tin học Hoa Kỳ. Ông được trao tặng “Giải thưởng Vinh danh nước Việt”, là Nhà khoa học tiên phong phát triển ngành Vi mạch Điện tử Việt Nam. Ông có tên trong danh sách những Người nổi tiếng Thế giới (Marquis Who’s Who In The World).