Cả gia đình tập kết ra Bắc
Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn năm nay đã 82 tuổi. Bà là nhân chứng cuối cùng trong ba cha con cùng được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Sơn cho hay, những người xây Lăng Bác lúc đó đều được tuyển chọn rất kỹ về chuyên môn. Đặc biệt, lý lịch cá nhân được điều tra kỹ lưỡng. Vì thế, những người đứng trong hàng ngũ xây Lăng Bác đều rất vinh dự, tự hào. Việc nhiều người trong một gia đình được tuyển chọn lại càng hiếm hoi, vinh dự hơn.
Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Theo bà Sơn, trên công trường xây dựng Lăng Bác trong những năm đó chỉ có hai gia đình có hai thế hệ được tham gia, gồm ba cha con bà Sơn và hai cha con người thợ mộc ở Nam Định.
Gia đình bà Sơn quê gốc ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là TP Đà Nẵng). Cha bà là ông Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1912), học ở Trường Quốc học Huế, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và sau này học thêm tiếng Nga. Trong quá trình học tập ở Trường Quốc học Huế, ông giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động tại Lào.
Năm 1946, ông trở về làm Trưởng ty Công chánh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1952, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông tập kết ra Bắc để xây dựng đất nước. Đến năm 1954, bà Sơn cùng mẹ và anh chị của bà cũng lên tàu ra Bắc.
Trong hành trang ra Bắc của bà lúc đó có hình ảnh Bác Hồ và những lời Bác căn dặn, động viên trong các lá thư gửi thiếu nhi miền Nam nhân dịp Trung thu. Bác khuyên các thiếu nhi đoàn kết, tự lực cánh sinh, dặn các thầy cô yêu thương học sinh như con ruột của mình.
“Chúng tôi cùng hàng chục nghìn con em cán bộ, bộ đội miền Nam tập trung ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Sau đó, gia đình tôi được sắp xếp đến các địa phương khác nhau để thực hiện nhiệm vụ lao động, học tập. Mẹ tôi được cử vào Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) công tác tại hợp tác xã nước mắm. Anh trai, chị gái về Hà Nội học tập, còn tôi xuôi Hải Phòng học cùng các bạn ở Trường Nữ sinh miền Nam”, bà Sơn nói.
Sau khi hoàn thành chương trình lớp 10, năm 1961, bà Sơn trúng tuyển vào Khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, bà về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin. Sau đó, bà may mắn được cùng với cha và anh trai tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ.
Vinh dự, tự hào
Khi cha bà về nhận nhiệm vụ xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình bà được bố trí ở căn nhà số 2 đường Hoàng Văn Thụ (phường Quán Thánh, quận Ba Đình), cách công trường vài trăm mét. Từ đây, gia đình bà mới thực sự có những bữa cơm gia đình. Mẹ của bà Sơn (nữ sinh của Trường Đồng Khánh, Huế), sau nhiều năm đằng đẵng đã được tận tay nấu những bữa cơm ngon để chồng con ăn no, phụng sự công trình lịch sử, trọng đại của đất nước. “Đó thực sự là những ngày đầu tiên gia đình được gặp mặt đông đủ, đoàn viên sau 20 năm tập kết ra Bắc”, bà Sơn cho biết.
Bà Sơn nhớ, cha bà khi tập kết ra Bắc đã tham gia xây dựng công trình thủy điện Bàn Thạch (tỉnh Thanh Hóa). Khi công trình hoàn thành, năm 1959, ông được cử sang Liên Xô học ngành thủy lợi. Khi về nước, ông tham gia xây dựng công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái)…
Đến năm 1973, khi đã 61 tuổi, ông chưa nghỉ hưu và được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) điều động từ Bộ Thủy lợi sang làm Phó trưởng Ban chỉ huy CT.75808 (mật danh xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Khi cha về nhận nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác Hồ, một thời gian sau, anh trai bà, ông Nguyễn Cát Thạch và bà cũng được tuyển vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng Lăng. “Khi chỉ huy đơn vị thông báo được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác Hồ, tôi vui sướng, hạnh phúc vô cùng vì mình được đóng công sức giữ gìn thi hài Bác Hồ kính yêu”, bà Sơn tâm sự.
“Những tháng ngày ba cha con cùng nhau xây dựng Lăng Bác, câu chuyện trong những bữa cơm gia đình đều xoay quanh việc xây Lăng. Bố tôi biết các con thừa hưởng ở ông tính cẩn thận, nhưng lúc nào cũng nhắc các con, được tham gia xây Lăng Bác là vinh dự lớn, các con phải tỉ mẩn trong từng công việc, không được sơ suất. Ông cũng nhắc, nhiều thông tin không được để lộ ra ngoài, mà phải chôn sâu trong lòng”, bà Sơn chia sẻ.
Cha bà đã dành tâm huyết viết cuốn nhật ký ghi lại những công việc xây dựng Lăng Bác. Bà vẫn nhớ những dấu mốc trong cuốn nhật ký của cha: “Ban phụ trách là đồng chí Đỗ Mười, Phùng Thế Tài, Vũ Kỳ… Ngày 2/9 năm 1973, khởi công đào móng xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 27/10 đổ mẻ bê tông đầu tiên…
Ngày 19/7/1975 đón Bác về Thủ đô, đến 29/8/1975, khánh thành Lăng Bác… Số lượng công nhân làm việc trên công trường ông đều ghi rất rõ. Thời điểm cao nhất là vào năm 1974, có 1.480 người. Nhật ký ghi, trên công trường lúc đó, tinh thần lao động của mọi người lúc nào cũng sôi sục, mong hoàn thành sớm công trình để đón Bác Hồ về Thủ đô”.
“Đoạn kết của cuốn nhật ký, cha tôi viết: “Nhờ có cách mạng, con cái tôi được giáo dục và học tập tốt, trở thành cán bộ tốt của cách mạng. Các cháu đều tốt nghiệp đại học, được sống trong hạnh phúc, hòa bình””.
Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn
Bà Sơn cho biết, trong nhật ký, cha của bà kể, vật liệu xây dựng Lăng Bác được mang về từ nhiều địa phương, vùng miền. Cát được lấy từ các con suối thuộc xã Kim Tiến (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), do đồng bào Mường đem về. Đá xây lăng khai thác ở núi Nhồi của Thanh Hóa, đá hoa ở núi Sài Sơn (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay là TP. Hà Nội), đá đỏ ở núi Non Nước (tỉnh Ninh Bình), đá dăm được đưa về từ mỏ đá Hoàng Thi (tỉnh Yên Bái). Gỗ làm Lăng được nhân dân dọc dãy Trường Sơn gửi ra, gồm 16 loại gỗ quý…
“Ngay sau khi khánh thành Lăng Bác, cha tôi đã cùng bác Phạm Hùng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm báo cáo tổng kết dài đến 340 trang”, bà Sơn cho hay.
Trong những dòng nhật ký của cha mà bà Sơn nhớ lại, ở trang cuối, ông Nguyễn Văn Bé rất đỗi tự hào ghi lại những ngày ba cha con tham gia xây Lăng Bác.
“Nhật ký của bố tôi như bản di chúc để con cháu sau này mãi mãi ghi nhớ, tự hào về truyền thống gia đình, làm động lực cho cháu con vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn kể cho con cháu câu chuyện này mỗi khi gia đình sum họp hoặc khi dẫn các cháu đi thăm Lăng Bác”, bà Sơn nói đầy tự hào.