Bản Tuyên ngôn Độc lập, áng văn lập quốc vĩ đại

Bản Tuyên ngôn Độc lập, áng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong ngôi biệt thự của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, số 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày nay, trên tường ngôi nhà có dòng chữ: “Trong ngôi nhà này, tại một phòng nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác khẳng định một nguyên lí cơ bản: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Khẳng định nguyên lí cơ bản đó thuộc quyền con người, Bác trích dẫn ngay những lời ghi trong hai Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4/7/1776 của nước Mỹ và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 26/8/1789.

Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Như một nhà sử học nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt sự nghiệp Cách mạng của dân tộc Việt Nam gắn liền với thời đại. Người nhắc tới hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại; mà cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và cách mạng tư sản Pháp năm 1789 là những cái nôi lớn của lịch sử loài người. Đó là nền tảng để lãnh tụ của dân tộc Việt Nam khẳng định rằng, cách mạng Việt Nam giành được vào tháng 8/1945 là bước tiếp, đồng thời cũng là một cột mốc mới trong sự phát triển của lịch sử giải phóng con người. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc nhỏ yếu thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập dành phần lớn nói lên quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta chống thực dân Pháp tới cách mạng tháng 8/1945 lên án tội ác của chúng và kết luận: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay, để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa!”.

Cuối cùng bản Tuyên ngôn khẳng định mạnh mẽ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập; và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Một văn kiện chính trị quan trọng, một bản hùng ca, một hành trang tinh thần của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cô đọng, khúc chiết, chỉ có 1.025 từ trong Bản Tuyên ngôn. Đó là ánh sáng trí tuệ, tình cảm cách mạng mãnh liệt, lí lẽ hùng hồn và lòng quyết tâm sắt đá của dân tộc đã lay động đến tâm can mỗi người; chuyển đến cho chúng ta sức mạnh mới.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, là áng văn lập quốc vĩ đại, mãi mãi là hành trang tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Chi Phan