Top 10 bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh. 

Người cao tuổi (hay còn gọi là người cao niên, người già) theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là những người có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm. Người cao tuổi vẫn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như những lớp tuổi khác. Ở người cao tuổi, cơ thể có những biến đổi về tâm sinh lý nhất định so với tuổi trẻ và tuổi trung niên.

Cụ thể đó là: Lão hóa: sự sa sút, già đi của cơ thể, suy giảm hoạt động về số lượng và chất lượng của các cơ quan theo quá trình tự nhiên mà không do bệnh lý tác động. Người già thường ăn uống không ngon miệng, ăn khó tiêu vì hệ tiêu hóa giảm hoạt động, các tế bào vị giác trên lưỡi giảm đi. Cơ bị nhão dần, đậm độ xương cũng giảm nên dễ bị loãng xương, gãy xương. Tế bào thần kinh bị thoái hóa nhiều, mạch máu đến nuôi cũng ít dần nê dễ bị thiếu máu não, trí nhớ kém, trí thông minh giảm, dễ bị mất ngủ, thiếu ngủ. Hay bị lãng tai, tai nghe nghễnh ngãng. Khứu giác suy giảm, khó nhận biết và phân biệt các mùi. Mờ mắt do thủy tinh thể và giác mạc bị lão hóa. Dễ bị khó thở do phổi giảm sự đàn hồi, thường thở ngắn, dốc. Nhịp tim chậm, tim hoạt động yếu hơn lúc trẻ, dễ bị thiếu máu cơ tim, dễ mệt mỏi khi làm việc. Gan teo lại, khả năng lọc máu của gan cũng giảm nên người già dễ bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc uống. Thận teo lại, bàng quang co bóp yếu, dẫ mắc chứng khó tiểu hoặc tiểu không tự chủ. Hệ thống kháng thể, miễn dịch bị suy giảm theo tuổi tác nên người già dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm da, viêm họng, viêm cơ tim,…Sinh hoạt tình dục giảm. Tâm lý thay đổi, người già có thể mắc một số bệnh về tam thần như trầm cảm, lo âu, stress,…

Người cao tuổi đã từng trải qua một quá trình làm việc, sinh hoạt, lao động nhất định trong gia đình và ngoài xã hội. Họ đã có công nuôi dưỡng, dạy dỗ các thế hệ đi trước, đồng thời có những đóng góp ít nhiều cho sự phát triển kinh tế của quê hương, đất nước. Vì vậy, ở tuổi xế chiều, họ cần được thế hệ trẻ kính trọng, phụng dưỡng tận tình, chu đáo, đặc biệt là vấn đề sức khỏe. Nắm bắt được những bệnh mà người già hay gặp sẽ giúp ta chăm sóc họ tốt hơn, phòng những bệnh có thể tránh khỏi, điều trị kịp thời một số bệnh cần thiết để giúp họ sống lâu hơn, sống vui vẻ, lạc quan với con cháu, láng giềng, bè bạn. Sau đây là thống kê 10 bệnh thường gặp ở người cao tuổi theo thứ tự từ cao đến thấp. Đó có thể là những bệnh mà tuổi già mới mắc phải, cũng có thể do hậu quả của những bệnh mắc phải từ giai đoạn tuổi trưởng thành, trung niên để lại.

1.Đột quỵ Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch màu não, là từ gọi chung của những bệnh lý nhồi máu hoặc xuất huyết não, xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Mặt khác, thành mạch suy yếu, dễ vỡ cùng với hậu quả của bệnh tăng huyết áp (nếu mắc trước đó) dẫn đến hậu quả dễ xảy ra xuất huyết mạch máu não. Đây là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi. Tỷ lệ hiện mắc của bệnh này ở người già là 21,9%. Để phòng bệnh đột quỵ, chúng ta nên khuyên ông bà, cha mẹ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn ít mỡ; nên tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, tập dưỡng sinh, nếu cần thiết thì uống thuốc dưỡng não, thuốc điều trị tăng huyết áp,…

2.Viêm phổi Cơ quan hô hấp ở người già có sự suy giảm đáng kể về hoạt động cũng như hệ thống miễn dịch, kháng khuẩn: phổi kém đàn hồi, cơ hô hấp yếu, kháng thể bề mặt phổi giảm cùng với sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể nên người già rất dễ bị viêm phổi, đặc biệt vào các mùa dịch, trái gió trở trời, thời tiết lạnh khô. Tác nhân gây bệnh là virus (thông thường là virus cúm), tụ cầu, phế cầu, liên cầu, đôi khi là não mô cầu, adenovirus, lao,… Viêm phổi ở người già điều trị tốn kém và dai dẳng hơn người trẻ, bệnh cũng dễ tái phát làm suy yếu dần sức khỏe, giảm tuổi thọ. Vì vậy, người già nên hạn chế đến những nơi đông người. Vào thời điểm khí hậu thay đổi, trời trở lạnh, người già nên giữ ấm cơ thể, tránh ra gió, tránh hít thở không khí lạnh khô để phòng bệnh viêm phổi hiệu quả. Bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ 7,8% ở người cao tuổi.

3.Tăng huyết áp

Một người bị bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu cao hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể do tăng từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối, nhưng thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch và tăng huyết áp. Chính vì thế, ở người già thường gặp tăng huyết áp tâm trương hơn là tâm thu. Bệnh tăng huyết áp người cao tuổi không nên xem thường vì nó rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…Bệnh này chiếm tỷ lệ 7,7 %.

4.Đái tháo đường Đái tháo đường được chẩn đoán xác định khi đường máu bất kỳ đạt nồng độ trên 200 mg% và/hoặc đường máu lúc đói trên ngưỡng 126 mg%. Đái tháo đường có 2 tuýp là I và II. Ở người cao tuổi thường gặp đái tháo đường tuýp II. Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Có thể do gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; do các cơ quan giảm nhạy cảm với hormon Insulin; hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường tuýp II ở nhóm người cao tuổi là 5,3%.

5.Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được viết tắc là COPD, là sự kết hợp của hai bệnh lý mãn tính ở phổi gồm khí phế thủng và viêm phế quản mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng khó thở diễn ra thành cơn giống bệnh hen phế quản, nhưng ít đáp ứng  hoặc không đáp ứng với các thuốc dãn phế quản thông thường. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người hút thuốc lâu năm, hoặc bị những bệnh về hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy, bệnh hay gặp ở những người trung niên hoặc người cao tuổi. Diễn tiến dễ dẫn đến suy hô hấp, cơ thể suy kiệt, thường xuyên nhập viện, chất lượng cuộc sống giảm, tuổi thọ giảm. Bệnh này chiếm tỷ lệ 4,1 % ở người già.

6.Suy tim Suy tim là một hôi chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng quả tim, dẫn đến tim không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc đưa máu đi nuôi cơ thể. Suy tim có nhiều loại, bao gồm suy tim trái/phải, suy tim tâm thu/tâm trương, suy tim cấp/mãn,…Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim ở người già như: bệnh cơ tim, bệnh van tim, thấp tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành,…Theo nhiều nghiên cứu, thời gian sống còn của người cao tuổi bị bệnh suy tim trung bình từ 4,3 năm đến 7,1 năm. Tỷ lệ bệnh suy tim ở người cao tuổi là 2,4 %.

7.Bệnh Parkinson Đây là bệnh thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên. Bệnh do thoái hóa một số tổ chức ở não gây ra những biểu hiện như: run tay, vận động chậm chạp, kém linh hoạt, cứng đờ. Có thể kèm theo một số triệu chứng như: suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, mùa giật, trầm cảm,…Đây là bệnh đặc trưng của người cao tuổi, hiện chưa tìm được nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của bệnh. Bệnh diễn tiến một cách từ từ theo chiều hướng ngày càng nặng dần. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ bị hạn chế vận động nghiêm trọng, không nói được, không cử động được mà chỉ nằm một chỗ. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh và điều trị kịp thời là điều hết sức quan trọng giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian hoạt động bình thường cho người bệnh. Bệnh Parkinson chiếm tỷ lệ 2,1 %.

8.Hội chứng tiền đình Hội chứng tiền đình bao gồm các triệu chứng như: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai,… Gồm có hội chứng tiền đình ngoại biên và hội chứng tiền đình trung ương. Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình – ốc tai, thiếu máu đến não, hậu quả của các bệnh lý về tai (viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm,…) từ giai đoạn trước,…Người mắc hội chứng tiền đình nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị các biến chứng như tổn thương tai ảnh hưởng đến khả năng nghe, tổn thương thần kinh (trong trường hợp bị hội chứng tiền đình trung ương), chấn thương do té ngã,… Tỷ lệ mắc hội chứng tiền đình ở người cao tuổi là 2,0 %.

9.Loãng xương Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp, được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và giảm chất lượng xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Đặc điểm loãng xương ở người già là: tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương do các tế bào sinh xương bị lão hóa, sự hấp thu canxi ở ruột bị hạn chế và sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục. Để phòng ngừa bệnh loãng xương, hạn chế hậu quả gãy xương, người già cần bổ sung canxi vào chế độ ăn từ các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, sò huyết, cua, ốc,… hoặc thuốc uống cung cấp canxi (viên canxi sủi, canxi – D,…). Tỷ lệ bệnh loãng xương ở người cao tuổi là 1,9 %.

10.Viêm phế quản cấp Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm cấp tính ở phế quản, do tác nhân virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Ở người già, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ quan hô hấp giảm hoạt động kháng khuẩn nên dễ bị các bệnh lý về hô hấp. Trong đó, thường gặp nhất là viêm phế quản cấp. Virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trong tình trạng giảm sức đề kháng, giảm hoạt động kháng thể bề mặt của đường hô hấp nên chúng dễ phát triển và gây nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm ho, khó thở, khạc đàm màu trắng đục, vàng, nâu tùy từng bệnh cảnh khác nhau. Nếu điều trị không triệt để sẽ dẫn đến viêm phế quản mãn tính, suy yếu cơ quan hô hấp. Bệnh này chiếm tỷ lệ 1,7%.

Theo http://cpcs.vn