BTNO – Bằng cả tấm lòng, với mong muốn đem lại niềm vui cho những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), 15 năm qua bà Huỳnh Kim Loan (SN 1959, hội viên Hội NNCĐDC/Dioxin xã Trí Bình, huyện Châu Thành) đã và đang thắp lên nguồn sáng cho biết bao gia đình trên địa bàn có người bị nhiễm chất độc da cam.
Bà Loan (bên phải) đang trao đổi công việc với Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Trí Bình.
Bà Loan sinh ra và lớn lên tại quê hương Đồng Tháp, năm 2000 vợ chồng bà khăn gói lên Tây Ninh lập nghiệp. Những ngày đầu ở ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành, gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, từ mảnh vườn nhỏ đi thuê, gia đình trồng nhãn, chôm chôm, cam, xoài, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao, nhiều vụ còn thua lỗ.
Quá trình canh tác, gia đình bà nhận thấy cây xoài phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, nên năm 2005 gia đình quyết định đầu tư trồng xoài cát Hoà Lộc. Chăm chỉ lao động, biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6 ha trồng xoài luôn cho năng suất cao, mỗi năm thu hoạch từ 40 đến 50 tấn quả, trừ chi phí, bà lời từ 600 đến 700 triệu đồng mỗi năm.
Từng sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con, nhất là các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình về công tác từ thiện, nhất là từ người cha thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ giữa năm 2009 đến nay, bà tham gia Hội NNCĐDC/Dioxin xã Trí Bình, mỗi tháng trích từ nguồn thu nhập của gia đình ủng hộ 60 kg gạo và các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho 6 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2023, bà đóng góp vào Quỹ NNCĐDC của xã hơn 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, khi trên địa bàn xã tổ chức tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, bà Loan đều đến tham dự và tặng mỗi gia đình từ 1 đến 2 triệu đồng. Khi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương có hữu sự, bà lại tìm đến để hỗ gạo, tiền, nhu yếu phẩm.
Bà Loan giới thiệu vườn xoài của mình cho Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Trí Bình.
Bà Đinh Thị Diệp Chi, ngụ ấp Tấm Long, xã Trí Bình bày tỏ: “Gia đình tôi có 4 người bị nhiễm chất độc da cam nên hoàn cảnh rất khó khăn, may mắn nhiều năm qua được sự giúp đỡ của bà Loan mỗi tháng hỗ trợ 10kg gạo và nhu yếu phẩm giúp gia đình tôi có thêm động lực để ổn định cuộc sống”.
Ông Lê Văn Trung- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Tầm Long cho biết: “Với tấm lòng thương người như thể thương thân, từ lúc còn cuộc sống khó khăn, gia đình bà Loan đã dang tay giúp đỡ nhiều người nghèo khó trên địa bàn. Ngoài ra bà con tích cực đóng góp các quỹ của địa phương như “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, trao học bổng Trần Thị Sanh cho học sinh nghèo trên địa bàn”.
Khi hỏi về dự định tham gia công tác từ thiện trong tương lai, bà Loan hào hứng nói: “Tôi không có điều kiện để làm từ thiện bằng những việc làm lớn lao, nhưng tôi sẽ làm theo sức của mình. Tôi tâm niệm lúc nào còn sức khoẻ thì còn tiếp tục làm công tác thiện nguyện để giúp một phần nhỏ của mình cho xã hội”.
Bà Trần Thị Thu Hồng- Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin xã Trí Bình khẳng định: “Những đóng góp của bà Loan đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào “Xoa dịu nỗi đau da cam”; xây dựng tổ chức Hội thực sự là nhịp cầu nhân ái xoa dịu những tổn thương, bất hạnh cho những nạn nhân da cam, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, mục tiêu giảm nghèo của địa phương”.
Với những đóng góp tích cực cho công tác từ thiện, bà Huỳnh Kim Loan đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền và hội các cấp; trong đó, 3 lần bà vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích đóng góp nhu yếu phẩm để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã Trí Bình, huyện Châu Thành.
Tố Tuấn – Hà Quang