Lễ ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. (Ảnh: Báo ND) |
Điều tra dân số: chính xác, kịp thời
Sáng 1/4, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Lễ ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Phạm vi điều tra tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thời điểm điều tra từ 0 giờ ngày 1 đến ngày 30/4/2024. Đây là một cuộc điều tra chọn mẫu với mục tiêu đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021 – 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2026 – 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Cùng với đó, cuộc điều tra cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Qua đó làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 – 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ Tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.
Ngoài hai mục đích chính trên, do quy mô mẫu đủ lớn nên kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 sẽ được sử dụng để tiến hành các phân tích chuyên sâu về sự chuyển dịch nhân khẩu học ở Việt Nam, xu hướng già hóa dân số, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, tình trạng sử dụng nhà ở và điều kiện sống của người dân.
So với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra dân số giữa kỳ 2024 có một số điểm mới, gồm: kết quả Điều tra dân số giữa kỳ 2024 góp phần thực hiện Đề án 06; đối tượng điều tra có sự thay đổi; Điều tra dân số giữa kỳ 2024 có quy mô mẫu lớn; kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và gián tiếp; sử dụng kết hợp công cụ thu thập thông tin là phiếu điều tra điện tử và phiếu điều tra in trên giấy. Ngoài ra còn một số điểm mới liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin, xử lý, tích hợp kết quả và một số khâu khác của cuộc điều tra.
Chia sẻ với truyền thông, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Một trong những điểm mới đáng chú ý, đó là người có quốc tịch nước ngoài lần đầu tiên được đưa vào là đối tượng điều tra”. Việc bổ sung đối tượng điều tra là người có quốc tịch nước ngoài nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng từ điểm mới đưa người có quốc tịch nước ngoài vào là đối tượng điều tra nên ngoài phương pháp thu thập thông tin phỏng vấn trực tiếp như các cuộc điều tra trước đây, Điều tra dân số giữa kỳ 2024 còn kết hợp phương pháp gián tiếp và sử dụng phiếu điều tra in trên giấy, áp dụng đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Với mục tiêu chính xác, kịp thời, đúng tiến độ, ngành Thống kê cả nước đang tập trung triển khai cuộc điều tra dân số và nhà ở. Đặc biệt với yêu cầu quan trọng về nâng cao chất lượng thông tin điều tra, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong điều tra đã được nghiên cứu và áp dụng sẽ giúp điều tra viên thống kê thu thập thông tin được thuận lợi và kiểm tra số liệu ngay trong quá trình thu thập thông tin. Tuy vậy, công nghệ và máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, để bảo đảm chất lượng điều tra, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và sự tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra của điều tra viên thống kê.
Chuẩn bị trước biến động về dân số
Với mục tiêu chính xác, kịp thời, đúng tiến độ, ngành Thống kê cả nước đang tập trung triển khai cuộc Điều tra dân số và nhà ở. (Ảnh: TTXVN) |
Vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc, vì vậy vấn đề dân số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với dân số trên 100 triệu người, cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 đóng một vai trò quan trọng vào thời điểm này. Trước những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học diễn ra nhanh chóng, cuộc điều tra sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng chưa có trong cơ sở dữ liệu dân số hiện tại hoặc các nguồn dữ liệu hành chính khác, như lịch sử sinh sản của phụ nữ, tử vong, di cư, mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyết tật, hôn nhân/tảo hôn, trình độ học vấn, lực lượng lao động và nhà ở.
Đặc biệt, trước tình hình già hoá dân số diễn ra nhanh chóng tại nước ta từ đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là chăm sóc người cao tuổi. Là nhóm người chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dân số nước ta và là một trong những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, người cao tuổi cần được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì vậy, các thông tin từ cuộc Điều tra dân số và nhà ở có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần giúp nước ta có thể chuẩn bị tốt hơn cũng như có cơ hội tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trên thế giới để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân thời gian tới.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới, dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già với sự chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Như vậy, giai đoạn quá độ từ già hóa dân số đến dân số già tại nước ta chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, trong khi ở các quốc gia phát triển thì kéo dài hàng trăm năm. Với tốc độ này, công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ là thách thức rất lớn, cả với xã hội và hệ thống y tế.
Hiện nay, nước ta có khoảng 12,5 triệu người cao tuổi, với 67% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân làm nông nghiệp. Với trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3% thuộc diện khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu ở khu vực nông thôn… Có thể thấy, đời sống vật chất của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn.
Trong khi, trung bình mỗi người cao tuổi mắc tới trên 3 bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… (thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương). Vì vậy, đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của người cao tuổi. Trước thực trạng trên, ngành Y tế cần đáp ứng càng sớm càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp.
Trả lời với truyền thông, TS. BS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho rằng: “Thực trạng hệ thống dịch vụ y tế cho người cao tuổi tại Việt Nam cần sự củng cố để đáp ứng với thực trạng người cao tuổi hiện nay. Việc tăng cường chuyên môn và nhân lực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết”.
Đến nay, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên, trước bài toán dân số với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Đảng và Nhà nước, mà cụ thể là ngành Y tế cần có cơ chế, chính sách cũng như chương trình mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi. Đồng thời, phải chuẩn bị điều kiện để thích ứng với dân số già và cần bắt đầu thực hiện các giải pháp cơ bản để nước ta đi trước đón đầu.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.