Sông Sài Gòn là 1 biểu tượng sống động của lịch sử mở mang miền đất phương Nam. Người Việt định cư và làm giàu cho miền đất mới bắt đầu từ dòng sông này.
Nhiều thế kỷ qua, nói đến Sài Gòn là nói đến cảng, đến sinh hoạt trên bến dưới thuyền, giao thương tấp nập dòng sông chính và kênh rạch phụ lưu.
Đặc điểm tự nhiên của lưu vực Sông Sài Gòn
Lưu vực Sông Sài Gòn là một phần của lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai. Sông Sài Gòn với tổng chiều dài 256 km với phạm vi chảy trong thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km.
Sông bắt nguồn từ rạch Chàm, có độ cao tương đối khoảng 150 m, nằm trong huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước rồi chạy qua giữa địa phận ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, qua hồ Dầu Tiếng, chảy tiếp qua tỉnh Bình Dương, là ranh giới giữa Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, hợp với sông Đồng Nai thành hệ thống sông Đồng Nai, đổ ra biển.
Ở thượng lưu sông chảy theo hướng bắc – nam, trung lưu và hạ lưu sông chảy theo hướng tây bắc – đông nam. Sông Sài Gòn chảy dọc trên địa phận Thành phố Hồ Chí Minh có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m3/s, bề rộng tại Thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu có chỗ tới 20 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km2.
Hồ Dầu Tiếng được xây dựng nhằm điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ và xâm nhập mặn ở hạ lưu, đồng thời cung cấp nước cho Tây Ninh, khu vực tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Hồ Dầu Tiếng ngăn dòng từ ngày 24-6-1984 đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của Sông Sài Gòn.
Ngoài hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, thành phố còn có mạng lưới kênh rạch chằng chịt như ở hệ thống Sông Sài Gòn có các rạch Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Đôi và ở phần phía Nam thành phố thuộc đia bàn các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và các kênh thuỷ lợi tạo nên một mạng lưới sông ngòi dày đặc.
– Chiều dài của sông Sài Gòn qua tỉnh Tây Ninh là 135 km.
– Những phụ lưu chính của sông Sài Gòn địa bàn tỉnh Tây Ninh là: Suối Ngô ( Suối Bà Chiêm), suối Sanh đôi.
Dòng sông với nhiều tên gọi
Vì chảy qua nhiều vùng nên sông mang nhiều tên khác nhau. Từ đầu nguồn ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) Sông Sài Gòn với tên gọi sông Ngã Cái.
Đến đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa ( Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc.
Và động từ cư xá Thanh Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức) có tên là Sông Sài Gòn hay Sông Bến Nghé (tên chữ là Ngưu Chử giang, trong sách Gia Định thành công chỉ ghi là Tân Bình giang, vì ngày xưa chảy qua phủ Tân Bình).
Vai trò đặc biệt của dòng sông
Sông Sài Gòn với chiều dài hơn 80 km chảy qua thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nguồn cấp nước quan trọng cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 68% dân số trong lưu vực). Tiềm năng kinh tế của nguồn nước có thể nói là rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực, ngành nghề kinh tế quan trọng.
Nhắc đến Sông Sài Gòn, có rất nhiều người dùng cụm từ “trên bến dưới thuyền” để mô tả khung cảnh giao thương tấp lập của tàu thuyền tại bến cảng nổi tiếng bậc nhất Đông Dương vào 100 năm trước. Không chỉ là nơi giao thương quốc tế, Sông Sài Gòn còn là nơi toạ lạc của nhà máy đóng tàu Ba Son – Thương hiệu sử chữa và đóng tàu nổi tiếng của Việt Nam nhiều năm trước đó.
Trải qua những thâm trầm lịch sử và nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, Sông Sài Gòn vẫn giữ riêng cho mình vẻ đẹp thơ mộng đan xenn sự hùng vĩ của dòng sông lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh.