Nhật Bản hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi

Quỳnh Dương

(HNMCT) – Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới với gần 30% công dân trên 65 tuổi, và con số này dự kiến tăng lên trong tương lai. Thực trạng này đã tác động không nhỏ tới chính sách an sinh xã hội của nước này trong nhiều thập niên qua. Tính từ năm 1963 tới nay, quốc gia này đã có ít nhất 5 lần tiến hành cải cách hệ thống phúc lợi nhằm hướng tới sự chăm sóc toàn diện hơn cho người cao tuổi.

 

 

Tính từ năm 1963 tới nay, Nhật Bản đã có ít nhất 5 lần tiến hành cải cách hệ thống phúc lợi nhằm hướng tới sự chăm sóc toàn diện hơn cho người cao tuổi.Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), tính đến giữa tháng 9-2021, số người cao tuổi tại nước này là 36,4 triệu người, tăng 220.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái. Tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số tăng 0,3%, lên mức kỷ lục 29,1%. Mặc dù những năm gần đây chính phủ Nhật Bản đã tung ra nhiều chính sách nhằm trẻ hóa dân số, tuy nhiên việc thúc đẩy tỷ lệ sinh khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.

Chính vì vậy, từ nhiều năm trước đây, chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đối với người cao tuổi. Năm 1963, Đạo luật về phúc lợi xã hội cho người cao tuổi ra đời nhằm xây dựng các trung tâm chăm sóc đặc biệt, đồng thời đưa ra các điều luật đối với đội ngũ điều dưỡng tại nhà đối với người già. Từ năm 1970 tới 1990, hệ thống phúc lợi cho người cao tuổi tiếp tục trải qua 3 đợt cải cách với mục tiêu mang lại những ưu đãi lớn hơn. Năm 2000, hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tất cả người dân từ 65 tuổi trở lên đều được nhận các khoản phúc lợi bất kể thu nhập ở mức nào, và họ có thể linh hoạt trong việc lựa chọn nhà cung cấp bảo hiểm và phúc lợi cho bản thân.

Chính phủ Nhật Bản luôn hướng tới việc hiện thực hóa một xã hội vừa đảm bảo được sự tôn nghiêm với người già vừa giúp các cụ vui sống khỏe mạnh. Trong chăm sóc y tế, người cao tuổi chỉ phải chi trả 10% phí chăm sóc – chữa bệnh, 90% còn lại sẽ được thanh toán từ tiền bảo hiểm xã hội. Nhờ vậy, chỉ số “tuổi thọ khỏe mạnh” của Nhật Bản – dùng để đo số năm mà con người có khả năng tự đáp ứng những nhu cầu hằng ngày như ăn, mặc đi lại – đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu (75 năm). Ước tính chi phí dành cho chăm sóc tại gia và dịch vụ y tá cho người già ở Nhật Bản năm 2020 vào khoảng 10,7 nghìn tỷ yên và dự kiến sẽ tăng lên 25,8 nghìn tỷ yên vào năm 2040.

Để đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội và khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Theo Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động đến năm 70 tuổi.

Theo báo cáo của MIC, tỷ lệ lao động trong tổng số người cao tuổi tại Nhật Bản năm 2020 tăng 0,2%, lên mức 25,1%, nghĩa là cứ 4 người cao tuổi có hơn 1 người đi làm. Trước đó, tháng 5-2020, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Hưu trí, quy định người lao động có thể lựa chọn bắt đầu nhận lương hưu từ 70 tuổi. Cụ thể, nếu người lao động hoãn tuổi bắt đầu nhận lương hưu thêm 5 năm so với giới hạn hiện nay là 65 tuổi thì lương hưu họ nhận được sẽ cao hơn 84% so với khi bắt đầu nhận lương ở tuổi 65.

Hiện tại, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống mang tên “chăm sóc cộng đồng toàn diện”, đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Đây là hệ thống hỗ trợ chăm sóc cuộc sống của người cao tuổi tại chính địa phương nơi họ đang sống. Điều này giúp đưa ra những tiêu chí phục vụ phù hợp đối với người cao tuổi ở những khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nhật Bản.

Theo ông Chris Lezott, một học giả người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, mặc dù tình trạng dân số già đang mang tới nhiều hệ lụy cho chính sách phát triển tại nước này nhưng không vì thế mà thế hệ người cao tuổi tại Nhật Bản bị quên lãng. Họ đang nhận được mọi sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết từ chính phủ và xã hội. Đây là niềm an ủi lớn đối với mỗi người trong quãng thời gian sau khi về hưu.

Tại Nhật Bản, từ năm 1954, người dân đã lấy ngày đầu tiên trong tuần thứ 3 của tháng 9 là ngày Kính lão. Đây là ngày lễ quốc gia để tạ ơn những đóng góp của người cao tuổi cho xã hội và cũng là dịp để mừng họ sống lâu. Trong dịp này, ngoài việc tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, trẻ em được hướng dẫn làm ra những món quà nhỏ để tặng ông bà nhằm tỏ lòng tôn kính.

Nhìn chung, các chính sách ưu tiên, chăm sóc của chính phủ liên tục trong nhiều năm qua không chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi Nhật Bản mà còn có giá trị giáo dục, qua đó tạo dựng môi trường sống đề cao lòng nhân ái và tăng cường sự gắn kết giữa các thế hệ tại đất nước Mặt trời mọc.