Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi (NCT). Trước đây, mọi người thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai từ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.
Theo quan điểm y học NCT là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Một số nước phát triển quy định NCT là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định về độ tuổi ở mỗi nước có sự khác nhau là do những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì thường tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009 thì NCT là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01.4.2009, tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ dân số 60 tuổi trở lên là 7,8% dân số, tỷ lệ NCT tăng qua các năm, đến năm 2014 chiếm 9,64% dân số, cao nhất khu vực Đông Nam Bộ, Tây Ninh đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2021 tỷ lệ NCT tăng lên 12,9%. Theo xu thế chung của cả nước, trong thời gian tới Tây Ninh bước vào giai đoạn già hóa dân số về số lượng, tỷ lệ NCT tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2030 tỷ lệ NCT trên địa bàn tỉnh khoảng 14,55%.
NCT là một lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay. Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, NCT được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. NCT thường giữ vai trò trọng trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở: như tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể…. NCT còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương. Đóng góp về lao động của NCT cho gia đình và xã hội là vô cùng to lớn.
Những biến đổi về cấu trúc gia đình và thay đổi do cuộc sống của xã hội hiện đại phần nào đã ảnh hưởng tiêu cực không ít tới đời sống tâm lý xã hội của NCT. Trạng thái tâm lý và sức khỏe của NCT không chỉ phụ thuộc vào nội lực của bản thân mà còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường văn hóa – tình cảm và quan trọng nhất là môi trường gia đình. Khi bước sang giai đoạn tuổi già, những thay đổi tâm lý của mỗi người mỗi khác, nhưng tựu trung những thay đổi thường gặp là:
Hướng về quá khứ: Để giải tỏa những ưu phiền thường nhật trong cuộc sống hiện tại, NCT thường thích hội họp, tìm lại bạn cũ, cảnh xưa, tham gia hội ái hữu, hội cựu chiến binh… Họ thích ôn lại chuyện cũ, viết hồi ký, tái hiện kinh nghiệm sống cũng như hướng về cội nguồn: Viếng mộ tổ tiên, sưu tầm cổ vật…
Chuyển từ trạng thái “tích cực” sang trạng thái “tiêu cực”: Khi về già NCT phải đối mặt với bước ngoặt lớn lao về lao động và nghề nghiệp. Đó là chuyển từ trạng thái lao động (bận rộn với công việc, bạn bè) sang trạng thái nghỉ ngơi; chuyển từ trạng thái tích cực, khẩn trương sang trạng thái tiêu cực, xả hơi. Do vậy NCT sẽ phải tìm cách thích nghi với cuộc sống mới. Người ta dễ gặp phải “hội chứng về hưu”.
Cảm giác cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc nhiều hơn: Con cháu thường bận rộn với cuộc sống. Điều này làm cho NCT cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Họ rất muốn tuổi già của mình vui vẻ bên con cháu, muốn được người khác coi mình không là người vô dụng. Họ rất muốn được nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình và ngược lại. Họ sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình.
Cảm nhận thấy bất lực và tủi thân: Đa số NCT nếu còn sức khỏe vẫn còn có thể giúp con cháu một vài việc vặt trong nhà, tự đi lại phục vụ mình, hoặc có thể được tham gia các hoạt động sinh hoạt giải trí, cộng đồng. Nhưng cũng có một số NCT do tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nên sinh hoạt phần lớn phụ thuộc vào con cháu. Do vậy dễ nảy sinh tâm trạng chản nản, buồn phiền, hay tự dằn vặt mình, dễ tự ái, tủi thân cho rằng mình già rồi nên bị con cháu coi thường.
Có thể nói nhiều hoặc thu mình, ít giao tiếp: Vì muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu, muốn con cháu sống theo khuôn phép đạo đức thế hệ mình nên họ hay bắt lỗi, nói nhiều và có khi còn làm cho người khác khó chịu. Với một bộ phận NCT bảo thủ và khó thích ứng với sự thay đổi, cộng với sự giảm sút của sức khỏe, khả năng thực hiện công việc hạn chế, nếu thời trẻ có những ước mơ không thực hiện được, hoặc không thỏa mãn, không hài lòng… có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh trầm cảm. Họ trở thành những người trái tính, hay ghen tỵ, can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của con cháu vì họ cho rằng mình có quyền đó. Song, ngược lại, một số người lại cảm thấy mình lạc hậu, không theo kịp với cuộc sống hiện đại nên ngày càng trở nên thu mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh.
Sợ phải đối mặt với cái chết: Sinh – tử là quy luật của tự nhiên, dù vậy NCT vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những trường hợp các cụ bàn việc hậu sự cho mình, viết di chúc cho con cháu. Bên cạnh đó, cũng có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ chết.
Nếu xem xét theo giai đoạn tuổi già, NCT có một số đăc điểm tâm lý xã hội như sau:
Giai đoạn đầu từ 60-70 tuổi: NCT ở giai đoạn này là bắt đầu giai đoạn nghỉ hưu, giảm số giờ lao động sẽ dẫn tới thu nhập bị giảm sút. Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp… bắt đầu cũng giảm. Những nhu cầu của xã hội giảm đi, tính độc lập và tính sáng tạo cũng hạn chế dần.
Giai đoạn từ 70 đến 80 tuổi: Nhiều người ở tuổi từ 70 đến 80 thường ốm đau và mất người thân. Bạn bè và người quen biết ngày càng ra đi nhiều hơn. Ngoài việc thu hẹp giao tiếp với xung quanh dần dần họ cũng bớt tham gia vào công tác của các tổ chức xã hội. Ở độ tuổi này, họ thường hay cáu giận, mất bình tĩnh. Tình trạng sức khỏe thường làm họ lo lắng. Mặc dù có những mất mát đó, nhiều người ở tuổi ngoài 70 còn có khả năng chống đỡ những hậu quả tuổi tác gây ra cho độ tuổi này. Nhờ chất lượng hỗ trợ y tế được cải thiện và có lối sống lành mạnh hơn, chống chọi với bệnh tật tốt hơn so với những NCT trước đây.
Giai đoạn từ 80 đến 90 tuổi: Sự chuyển sang nhóm “những người rất cao tuổi” – đó là “một quá trình được bắt đầu từ ngày mà con người sống bằng các ký ức của mình”. Phần lớn những người từ 80 đến 90 tuổi rất khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xung quanh mình và tác động qua lại với nó. Nhiều người trong số họ cần có chế độ dinh dưỡng cũng như thời gian sinh hoạt hàng ngày đảm bảo và phù hợp. Họ cũng cần được giúp đỡ để duy trì các mối liên hệ xã hội và văn hoá với môi trường trong gia đình và trong cộng đồng để tránh cảm giác cô đơn, hưu quạnh tuổi già.
Giai đoạn trên 90 tuổi: Những người ở lứa tuổi này thường đã già yếu nhiều, sức khỏe càng hạn chế hơn và các quan hệ xã hội cũng bị thu hẹp, trừ một số người duy trì được sức khỏe và tương tác xã hội, tuy nhiên cũng không nhiều. Với những thay đổi chung về tâm lý của NCT đã trình bày ở trên dẫn đến việc một bộ phận NCT thường thay đổi tính nết. Con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận thực tế và xã hội cần có những đáp ứng phù hợp.
Nhìn chung những vấn đề và nhu cầu cơ bản mà NCT thường gặp như sau: Vấn đề về sức khỏe thể chất, sự lão hóa cùng với những nguy cơ bệnh tật cao. Đặc biệt bệnh mất hay giảm trí nhớ ở NCT khá gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của NCT cũng như những người thân của họ. Do vậy NCT có nhu cầu rất lớn về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và hướng dẫn cách chăm sóc cho người thân của họ; Vấn đề cảm xúc cô đơn trống trải thường gặp ở nhiều NCT khi họ không có điều kiện được giao lưu với mọi người xung quanh, không có được sự quan tâm chăm sóc của người thân. Vì vậy, hầu hết NCT cần có sự giao lưu xã hội, sự quan tâm chăm sóc của gia đình về khía cạnh tinh thần, tình cảm của NCT; Mối quan hệ xã hội bị thu hẹp do sự di chuyển của NCT bị hạn chế. Để hạn chế vấn đề này NCT cần có được cơ hội giao lưu, vui chơi giải trí ngoài khuôn viên bốn bức tường của gia đình; Sự phụ thuộc của NCT vào con cái do thu nhập thấp hoặc không có, trong khi chính sách an sinh xã hội hiện nay đối với NCT chưa đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Càng phụ thuộc vào con cái, nhu cầu muốn được độc lập của NCT lại càng cao. Vì vậy, NCT cũng rất cần có điều kiện để họ thể hiện sự độc lập, hạn chế sự phụ thuộc con cái khi về già; Bạo lực gia đình với NCT cũng là một nguy cơ đối với NCT do sự lệ thuộc của họ về nhiều mặt đối với con cái, đặc biệt nếu họ không có cơ chế bảo vệ từ bên ngoài xã hội, gia đình và tự bảo vệ của NCT.
Tuổi già là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của con người, với việc quan tâm tới các đặc điểm sinh lý và bệnh lý của lứa tuổi còn cần chú trọng tới các vấn đề tâm lý – xã hội của NCT. Với những thay đổi chung về tâm lý của NCT nêu trên dẫn đến việc một bộ phận NCT thường thay đổi tính tình. Các thành viên trong gia đình cần thông cảm, thấu hiểu để chia sẻ cùng người lớn tuổi trong nhà. Tâm lý NCT có những bất ổn nhất định nên chúng ta cần tìm hiểu chi tiết để dễ dàng tạo sự hòa hợp trong gia đình hơn. Các thế hệ con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận thực tế này nhằm có những ứng xử phù hợp và cần quan tâm, lo lắng cho các cụ nhiều hơn, thường xuyên trò chuyện và khuyến khích các cụ tập thể dục nâng cao sức khỏe thân thể lẫn tâm lý NCT. Đặc biệt là chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT, nhất là những NCT cô đơn, không nơi nương tựa…