Quan niệm về việc người cao tuổi tham gia lao động dần thay đổi

Mới đây, tại Hội thảo “Già hóa dân số và vấn đề lao động, việc làm”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi hiện chiếm 17% dân số cả nước, tương đương khoảng 17 triệu người. Trong đó, chỉ có 27% số người cao tuổi có lương hưu, 23% được nhận trợ cấp xã hội. “Phần đông ông bà, cha mẹ của chúng ta từ nông nghiệp đi lên, họ không có lương hưu. Nhiều người trên 60 tuổi vẫn ‘buôn thúng bán mẹt’, làm ăn buôn bán để nuôi sống bản thân mình”, bà Mai chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay: “Nếu trước đây, quan điểm văn hóa truyền thống ở nước ta là người cao tuổi cần được nghỉ ngơi thì hiện nay, trong bối cảnh già hóa dân số, sẽ có một quan điểm khác được hình thành, đó là người cao tuổi cần phát huy được năng lực của mình, không chỉ dừng lại ở việc được chăm sóc và bảo vệ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay. Ảnh: T.H

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay. Ảnh: T.H

Bà Nga cho rằng: “Động cơ tham gia thị trường lao động của người cao tuổi ở nước ta cũng khác nhau, một bộ phận là để có đời sống tinh thần phong phú, được bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng có người là vì lý do sinh kế. Họ không muốn rằng khi bản thân về già sẽ phải phụ thuộc vào con cái”.

Bàn về giải pháp để thích ứng với vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: “Người cao tuổi là nguồn lực để phát triển xã hội. Chúng ta cần tiếp tục động viên người cao tuổi làm những công việc phù hợp để họ có đời sống tinh thần vui hơn, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý”.