Nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỉ, thậm chí hàng thế kỉ mới chuyển sang giai đoạn già hóa dân số (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam lại bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Từ năm 2011, tỉ lệ người trên 65 tuổi ở Việt Nam chiếm 7% tổng dân số; năm 2017, chiếm 11,9%. Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 – 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Vấn đề này đã tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam về nhiều mặt:
Thứ nhất, già hóa dân số dẫn đến cấu trúc gia đình truyền thống thay đổi mạnh. Phần lớn NCT ở Việt Nam vẫn sống nương tựa vào con cháu trong khi tuổi thọ ngày càng cao, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn sự chăm sóc và chỗ ở.
Thứ hai, già hóa dân số tạo ra những thách thức trong phát triển kinh tế, cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn. Già hóa dân số đặt ra yêu cầu thay đổi trong chính sách về tuổi nghỉ hưu, chính sách dành cho lao động cao tuổi… để thu hút sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động này đối với phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, nhất là về y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Mô hình bệnh tật ở NCT thay đổi nhanh chóng, từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm với tính chất của một xã hội hiện đại. Dân số già đến sớm trong khi nền kinh tế của đất nước đang trong thời kì thoát nghèo, NCT phải chịu nhiều gánh nặng bệnh tật, với chi phí y tế lớn và gây ra áp lực lớn đối với hệ thống y tế. Do đó, các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo còn có khoảng cách khá lớn so với nhu cầu. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm sinh lí, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kì, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.
2. Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, NCT có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão. Truyền thống vô cùng quý báu của NCT Việt Nam tiếp tục được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy. Năm 1941, ngay sau khi về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão.” Trong đó, khẳng định: “Đất nước hưng thịnh là do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại là do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất thì phụ lão cứu. Đất nước suy sụp thì phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao” . Thực tế lịch sử dân tộc chứng minh, NCT đã đóng góp phần quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, NCT đã và đang có nhiều đóng góp thực sự quan trọng.
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến NCT với nhiều chủ trương và chính sách liên quan qua các thời kì nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Ngay sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi các vị phụ lão” ngày 21/9/1945, trong đó, Bác đã thăm hỏi, chúc sức khỏe và nhắn nhủ những NCT tiếp tục nêu gương sáng và truyền dạy kinh nghiệm quý báu cho con cháu. Sau khi Hội NCT Việt Nam được thành lập (10/5/1995), Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 59/CT-TW “về chăm sóc NCT”, quy định: “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Luật NCT năm 2009 đã dành toàn bộ chương II để quy định về phụng dưỡng, chăm sóc NCT.
Trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra hiện nay, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT đang ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1781/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 với mục tiêu tổng quát là: phát huy vai trò của NCT, nâng cao chất lượng chăm sóc NCT, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và Phát huy vai trò NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Từ năm 2015, tháng 10 hằng năm được lấy là “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”.
Hoạt động bảo vệ, chăm sóc NCT được lồng ghép trong nhiều chương trình, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương. NCT được tạo điều kiện để tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao… tại địa bàn, khu dân cư…Tuy nhiên, việc bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc: Nhiều NCT còn có hoàn cảnh khó khăn (5% NCT chưa có bảo hiểm y tế theo quy định; nhiều NCT còn đang sống trong nhà tạm, dột nát…); mức trợ cấp xã hội đối với NCT thấp, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 – 2025; dịch vụ trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, văn hóa, rèn luyện thể chất, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đối với NCT, đặc biệt tại các thành phố lớn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT tại một số địa phương còn khó khăn.
3. Cách thức nhìn nhận về vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, vị thế và quyền của NCT cũng như nguồn lực đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việc phát huy vai trò của NCT là sự thay đổi cách nhìn nhận quan trọng trong định hướng chính sách về NCT, có tác động đến việc thụ hưởng các quyền và sự đóng góp nhiều hơn của họ vào sự phát triển của đất nước. Trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT cần chú trọng các vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội
Một là, tuyên truyền khẳng định già hóa là một thành tựu của quá trình phát triển. Trong giáo dục và tuyên truyền, nhất là truyền thông chính thống, cần thay đổi các khuôn mẫu tiêu cực về NCT, tránh “gắn nhãn” họ với các khuôn mẫu, hình ảnh như “run rẩy”, “yếu đuối”, “cô đơn”…, thay vào đó là hình ảnh tích cực của NCT trong gia đình và trong các hoạt động xã hội. Tuyên truyền thay đổi quan niệm nhận thức “NCT là gánh nặng” sang thành “tài sản” của gia đình và xã hội trong đó chú ý tuyên truyền, khẳng định các quyền, vai trò và trách nhiệm của NCT đối với xã hội. Chỉ khi NCT thực sự được tôn trọng, được nhìn nhận khách quan, đúng với thế mạnh, tiềm năng của mình thì họ mới có điều kiện phát triển bản thân, phát huy đầy đủ năng lực, đóng góp cho gia đình và xã hội. Thay đổi các khuôn mẫu tiêu cực về NCT là điều kiện cần thiết tạo sự chuyển biến trong thay đổi thái độ và hành vi của xã hội. Đi đôi với các biện pháp giáo dục, truyền thông, cần có chế tài xử lí nghiêm, có tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về NCT, xâm phạm quyền của NCT và phổ biến thông tin rộng rãi, mang tính giáo dục để thay đổi quan niệm và hành vi tiêu cực đối với NCT.
Hai là, tuyên truyền, hướng dẫn thực thi Luật NCT, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số bất cập, trong đó có hướng dẫn các quy định về phát huy vai trò của NCT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó mở rộng các quyền lợi được thụ hưởng cũng như sự đóng góp nhiều hơn của NCT vào sự phát triển chung của đất nước. Tuyên truyền khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nghĩa vụ của từng gia đình, từng cá nhân công dân.
Ba là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc cộng tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT; đưa công tác NCT vào chương trình làm việc thường xuyên trong công tác vận động quần chúng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong phối hợp và thống nhất hành động, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời lắng nghe, phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của NCT. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, các tấm gương điển hình NCT và Hội NCT các cấp.
Bốn là, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân thường xuyên luyện tập thể dục – thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lí. Tuyên truyền giới trẻ thói quen rèn luyện sức khỏe lành mạnh, bảo đảm các cơ hội về giáo dục và việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế và bao phủ an sinh xã hội cho tất cả những người lao động sẽ là nguồn đầu tư tốt nhất nhằm cải thiện cuộc sống của các thế hệ NCT trong tương lai.
Thứ hai, đối với bản thân NCT
Một là, tuyên truyền nhằm giúp NCT nhận thức những quyền lợi được hưởng về mặt thể chất và tinh thần; quyền được tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm dịch vụ chăm sóc phòng ngừa và điều trị lâu dài.
Hai là, tuyên truyền, vận động, phối hợp để NCT tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; phát huy tối đa kinh nghiệm và trí tuệ của NCT.
Ba là, xây dựng, phát triển mô hình “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau”, phát huy khả năng của NCT trong việc tự vận động, tự chăm sóc bản thân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuổi cao – Gương sáng”. Thúc đẩy văn hóa “NCT giúp NCT”. Theo đó, NCT có thể giúp đỡ nhau tích cực hơn khi tham gia vào các hoạt động của Hội, CLB như hỗ trợ đi lại; thiết lập một cơ chế liên lạc giữa các hội, CLB với cơ quan chính phủ có liên quan để NCT nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động.
Tận dụng và phát huy nguồn lực NCT không phải vấn đề đặt ra đối với riêng Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trong bối cảnh hiện nay không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”, mà còn là hành động thiết thực để NCT nước ta thực sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.