Theo Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (KOSIS) thuộc Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 2/2024, nước này có khoảng 1,55 triệu người từ 70 tuổi trở lên vẫn đang làm việc, chiếm 24,5% người dân trong nhóm tuổi này.
Như vậy, số người trên 70 tuổi đang làm việc ở Hàn Quốc đã tăng 11,4% so với 1,39 triệu người của 1 năm trước đó. Nhóm này chiếm 5,6% tổng dân số lao động của cả nước. Đáng chú ý, có tới 18,8% những người trong nhóm tuổi từ 75 trở lên vẫn làm việc.
Theo KOSIS, khoảng 29,6% lao động từ 70 tuổi trở lên làm việc trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Những lĩnh vực phổ biến tiếp theo là các công việc xã hội và dịch vụ, ở mức 22,8%. Một khảo sát được KOSIS tiến hành mới đây cho thấy có 67,5% cơ sở sản xuất, dịch vụ muốn thuê người từ 65 – 75 tuổi làm việc, do họ thuần thục kĩ năng, nhiều mối quan hệ, lương thấp và nhất là “không đòi hỏi”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với quốc gia gần với Hàn Quốc là Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, cứ 10 lao động lại có 1 người trên 65 tuổi. Người cao tuổi tham gia thị trường lao động ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chính phủ Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các dự luật cho phép người lao động làm việc suốt đời dựa trên khả năng về sức khỏe và nhiều biện pháp khác, để giữ những người 70 tuổi tiếp tục làm việc. Cùng với đó là cân nhắc một lựa chọn cho phép trì hoãn nhận lương hưu đến năm 75 tuổi. Những trung tâm kết nối việc làm cho người trên 65 tuổi, hoạt động bằng ngân sách nhà nước và trực thuộc đơn vị hành chính, như một giải pháp hỗ trợ người cao tuổi làm việc.
Trên phạm vi cả nước, Nhật Bản có tới 1.300 trung tâm kết nối việc làm cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên).
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những chính sách khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc, một phần là do thiếu hụt lực lượng lao động khi mà tỉ lệ sinh xuống thấp kéo dài suốt nhiều năm qua. Mặt khác, quan niệm việc làm ổn định đã thay đổi trong giới trẻ. “Nhảy việc liên tục” hoặc làm việc tự do của người từ 20 – 50 tuổi ngày một phổ biến. Kể cả những ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ mới cũng khó thu hút nhân lực trẻ. Trong khi đó, nhiều người trẻ lại tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài như một trải nghiệm, khiến cho lực lượng lao động trong nước mỏng dần.
“Đó là chưa kể đến những người theo đuổi lối sống “quyết ở với cha mẹ đến cùng” mà không chịu lập gia đình cũng như không đăng ký việc làm” – Haruto, một nhà nghiên cứu xã hội học Nhật Bản nói.