BTN – Hơn 40 năm qua, có thể nói ông Nguyễn Văn Nghi “dành cả thanh xuân” để gầy dựng cơ nghiệp nơi vùng đất mới. Ông bông đùa: “Mình ở lì thì ông trời cũng đãi thôi”. Tiếng cười của ông lại vang lên trước sân nhà, nơi những chiếc máy cày đang tạm nghỉ sau những ngày làm việc.
Ông Nguyễn Văn Nghi thăm rẫy cao su đầu mùa cạo.
Hiện tại, ông Nghi- với cơ ngơi của mình- là lão nông có tiếng nhất nhì tại ấp Đồng Dài, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Ông không ngại ngần kể về quá khứ- mà theo cách ông nói- là “quá khổ” của mình. Quãng đời đó luôn nằm trong tâm trí, nhắc nhở ông rằng mình cũng từng có một thời gian nan để sẵn sàng sẻ chia.
Đất không phụ người
Hơn 40 năm trước, ông Nghi- khi ấy là chàng trai hai mươi tuổi, theo gia đình về vùng đất xa xôi này để sinh sống. Ông gọi gia đình mình khi đó là “chạy trốn cảnh khổ” và việc trôi dạt đến đây chắc cũng là duyên. “Gia đình tôi vốn ở thành phố Tây Ninh. Vì không đất đai, ruộng vườn nên cuộc sống quanh năm khó khăn, phải làm thuê kiếm sống, đến đây cũng chỉ với ý nghĩ rồi sẽ đỡ dần lên”- ông Nghi nhớ lại.
Những câu chuyện đã mấy mươi năm, vậy mà giờ nhắc lại vẫn như mới hôm qua. Bao nhiêu hình ảnh trong ký ức như in trong đầu. Ông nói, lúc lên đây, gia đình chỉ có mảnh đất cất nhà. Xung quanh vắng vẻ, chỉ có vài nóc nhà; đường sá khó khăn, xa xôi. Mùa mưa đến thì thôi khỏi nói, sình lầy vất vả lắm.
Ngày đó, việc làm thuê cũng khó. Vậy là, hằng ngày ông đi khai hoang, vỡ đất để gieo trồng- hết lúa rồi khoai, hay đào gốc cây đốt than bán kiếm tiền. Những bữa cơm ít gạo đầy khoai củ là chuyện thường ngày. “Gia đình tôi lúc đó nhận ra rằng: mình vẫn đang khổ. Nhưng, tại đây, cả nhà đã nhìn thấy được chút hy vọng chứ không còn mịt mờ như khi trước”.
Tại vùng đất mới này, ông Nghi gặp và kết duyên cùng bà Trương Thị Sang- cũng là một người theo gia đình “trốn cảnh khổ”. Bằng vẻ từ tốn, bà Sang kể thêm vào câu chuyện của chồng: “Lúc cưới nhau vẫn khổ lắm! Vợ chồng tôi phải đi cắt từng lọn tranh để bán kiếm tiền đổi gạo”. Nhiều lúc quá khó khăn, gần như bế tắc, đến mức những người nông dân này phải bật khóc. Nhưng rồi, vì con cái, vì tương lai, hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng. Ông Nghi đôi lúc cũng nghĩ đến việc bỏ sang một vùng đất khác để thuận tiện làm ăn. Nhưng điều kiện không cho phép, ông lại tiếp tục bám trụ nơi này.
Ông Nguyễn Văn Nghi bên chiếc máy cày đã gắn bó nhiều năm với gia đình.
Biến không thành có
Vốn là một người giỏi tính toán, ban đầu với chút vốn ít ỏi, ông làm nghề lái bò. Khi đó, không có xe để di chuyển, ông Nghi phải lội bộ vượt hàng chục cây số sang xã Hoà Hiệp để mua bò với giá rẻ rồi lùa về nhà vỗ béo, bán lại. Dần dần, việc buôn bò mang lại lợi nhuận, ông mua được chiếc Honda 67 cũ làm chân đi lại. Lúc này, ông chở theo bà Sang đi các vùng lân cận, ra tận cửa khẩu Xa Mát để mua bò. “Đến năm 1995, sau hơn 10 năm làm lụng, cuộc sống gia đình tôi cũng dần ổn định”- ông Nghi mỉm cười, khoe.
Khi việc buôn bò chững lại do có nhiều người làm, ông Nghi chuyển sang làm lái mì. Đất sản xuất còn ít, ông mua thêm mì để tăng thu nhập. Sau đó, ông quyết định chi hơn 30 triệu đồng mua máy cày về làm việc- dù khi ấy chưa hề biết lái qua- từ tiền vay ngân hàng 50 triệu đồng. Dù còn nhiều nỗi lo nhưng ông vẫn vui mừng vì giờ đã có phương tiện sản xuất. Ông và người con trai lớn tập tành lái máy cày để cày đất, chở nông sản. Ông Nghi cho biết thêm, từ một chiếc máy cày ban đầu, lúc cao điểm, trong nhà có khoảng 7 chiếc để phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Làm mì thắng lợi, ông tích góp mua đất đai để sản xuất thêm. Ngoài mì, ông còn trồng thêm mía, cao su phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, đến thời điểm này, ông đã có trong tay hàng chục héc-ta đất, trải dài nhiều ấp trên địa bàn xã. Nhắc đến đây, ông Nghi nói: “Không phải tôi chỉ làm toàn thắng lợi thôi đâu. Nhưng có lẽ được trời thương vì mình biết cố gắng, cứ thất bại tôi lại suy nghĩ tìm hướng khắc phục. Mình té ngã ở đâu phải đứng lên ở đấy, dần dần sẽ có thêm kinh nghiệm thôi”.
Vợ chồng ông Nghi, bà Sang.
Với sự chăm chỉ và hiệu quả trong sản xuất, ông Nghi là hội viên nông dân nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất giỏi tại địa phương. Đến nay, ở tuổi 64, ông Nghi dần lui về nghỉ ngơi, giao việc lại cho các con. Tuy vậy, nhớ rẫy, thương đất, hằng đêm ông lại kéo máy tưới nước cho cây trồng, nhất là trong mùa nắng hạn này.
Theo bà Mai Kim Sinh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong, ngoài việc là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, ông Nghi còn luôn tích cực đóng góp cho công tác xã hội ở địa phương để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nghi nói từ lúc gia đình mình chưa thật sự khá giả, ông đã bắt đầu chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Thời điểm đó, được đề nghị hỗ trợ bao nhiêu thì ông đóng góp bấy nhiêu vì tấm lòng là chính. Sau này, khi đã có điều kiện hơn, ông tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Các con lớn lên có gia đình, cơ ngơi riêng, ông cũng vận động các con tích cực đóng góp. Ông Nghi chia sẻ: “Tôi từng trải qua khó khăn, có lúc gần như bế tắc nên hiểu cảnh khổ lắm. Vì vậy, tôi luôn muốn sẻ chia với những người còn khó khăn”.
“Bỏ phố về quê”, đến nay, vợ chồng ông Nghi, bà Sang đã quen với lối sống không ồn ào ở quê và muốn gắn bó mãi. Bây giờ, từ quốc lộ để vào được tới nhà ông Nghi phải vượt qua những đường bờ kênh đầy bụi đỏ, hay phải băng qua những rẫy mì, mía, cao su tít tắp. Có điều, với ông và những người dân sống trong vùng, đường dẫu xa xôi nhưng không còn khó khăn, cách trở nữa. Cuộc sống đã tốt hơn trước rất nhiều.
Ông Nghi cười nói: “Tính ra, chắc tôi được ông trời thương nên mới có ngày nay. Khi đến đây, tôi và người thân chỉ hy vọng đỡ khổ hơn cuộc sống cũ. Bây giờ đã vượt xa tưởng tượng và mong ước ngày đó rất nhiều. Chúng tôi hài lòng với những lựa chọn của mình”.
Vi Xuân