HOÀNG LỘC
Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo kết quả triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm 2023 vừa được ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – báo cáo Bộ Y tế.
Theo đó, Sở Y tế kiến nghị trung ương sớm có văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung trong quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13-10-2020 của Thủ tướng về phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.
Cụ thể như số quận, huyện thí điểm, phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi.
Thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa và bộ tiêu chí về đánh giá số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, một đại diện của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết hiện nay ở TP.HCM, người trên 70 tuổi mới được miễn phí vé xe buýt, trong khi số lượng người từ 60 tuổi trở lên ước tính trên 1 triệu người. Do đó, cần nghiên cứu có chính sách hạ độ tuổi được miễn phí vé xe buýt cho người cao tuổi.
Ngoài ra, theo điều 5 nghị định 06/2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, người cao tuổi được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy, tàu hỏa, máy bay chở khách. Người cao tuổi cũng được giảm ít nhất 20% giá vé, giá dịch vụ tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ.
“Mức miễn giảm này thực tế còn thấp và cần được nghiên cứu điều chỉnh để người cao tuổi có điều kiện tiếp cận với các loại hình dịch vụ này”, vị này nói.
98% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế
Báo cáo của Sở Y tế cho thấy TP.HCM hiện có trên 1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Trong năm 2023, có 399.551 lượt người cao tuổi được thực hiện ưu tiên khám sức khỏe, khám chữa bệnh, phổ biến kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, nhất là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Trong đó, hơn 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe theo mô hình thí điểm phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm. Qua đó, bước đầu nhận diện mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM, có các giải pháp can thiệp phù hợp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Sở Y tế, hiện nay đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 98% người cao tuổi. Tại TP.HCM cũng đã có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi được hình thành với 21 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.