Người cao tuổi cảm thấy cô đơn dù đang sống cùng con cháu

VTV.vn – Người cao tuổi sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn nếu sống trong sự thương yêu, chăm sóc và đặc biệt là thấu hiểu từ con cháu

Xã hội đương đại Việt Nam đang tồn tại song song nhiều mô hình gia đình khác nhau. Đó có thể là mô hình gia đình nhiều thế hệ gồm ông bà, các con và các cháu cùng chung một mái nhà, có thể là mô hình ông bà, con cháu sống biệt lập với nhau để tránh những xung đột về quan điểm, lối sống và tuổi tác. Dù sống ở đâu, cùng con cái hay sống riêng, nhiều người cao tuổi vẫn chia sẻ rằng họ ít nhiều phải trải qua khoảnh khắc cô đơn hoặc giảm kết nối với xã hội và người thân.

Theo Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ. Ở lứa tuổi này, sau khi nghỉ hưu, rời xa công việc, đa phần họ lấy việc gặp mặt con cháu làm niềm vui mỗi ngày mà ít có thú vui hay đam mê cá nhân để theo đuổi. Bên cạnh đó, tâm lý già cậy con bao đời cũng khiến người cao tuổi sống phụ thuộc vào con cái. Tuy nhiên, quan điểm về việc sống chung, sống riêng ngày nay đang có nhiều thay đổi.

Theo số liệu điều tra của Viện Dân số – Sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, thực hiện với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, 8,6% người cao tuổi sống một mình, hơn một nửa số người cao tuổi sống một mình có con cái sống cùng xã, phường. Có thể thấy, mô hình gia đình nhiều thế hệ dần được thế chỗ bởi những gia đình vệ tinh (tức là người cao tuổi sống gần chứ không sống chung với con cháu). Và việc chăm sóc người cao tuổi đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. Tuy nhiên, với đặc thù về lứa tuổi học tập, lao động, con cháu thường xuyên vắng nhà hoặc bận rộn, đa phần khoảng thời gian trong ngày, người cao tuổi tự sắp xếp cuộc sống của mình. Vì vậy, việc chuẩn bị mọi điều kiện để người cao tuổi sẵn sàng làm chủ cuộc sống của mình từ sớm là rất quan trọng.

“Với người cao tuổi, hơn lúc nào hết, không còn cách nào khác là phải có tính chủ động ngay từ khi mình chưa lên người cao tuổi. Việc đầu tiên là không bán nhà đi ở với con. Nếu có điều kiện hãy ở gần con chứ không ở cùng con, đừng vội vàng chia tài sản cho con, đặc biệt là sổ đỏ cho con để dẫn tới tình trạng là không còn gì trong tay, luôn ở thế chủ động với tinh thần “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Người ta khuyên một câu là chỉ thăm cháu mà không chăm cháu, đó mới là điều quan trọng. Khi con là người có trách nhiệm, phải tự quyết định, tự lập, tự do và tự chịu trách nhiệm với bối cảnh của mình”, bác sĩ Mai Xuân Phương – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số KHHGĐ, Bộ Y tế chia sẻ.

Chỉ số “hành tinh hạnh phúc” là chỉ số được tổng hợp từ tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Đối với người cao tuổi, “tỉ lệ hài lòng với cuộc sống” là một trong những tiêu chí phản ánh hạnh phúc của họ. Việc sớm chuẩn bị cho cuộc sống lúc xế chiều sẽ giúp người cao tuổi không bị sốc về tâm lý, không sa vào tình trạng cô đơn, sống phụ thuộc về tài chính và tinh thần. Họ cũng cần lên kế hoạch cho bản thân mình và bạn đời, về những việc sẽ làm, những hoạt động sẽ tham gia, để tuổi già không tẻ nhạt, buồn chán.

Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật bất biến. Sự chăm sóc, quan tâm của con cháu dù ở chung hay ở riêng cũng thể hiện rõ trách nhiệm, sự hiếu thảo và lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Ngày nay, khi tuổi thọ con người ngày càng được cải thiện, càng thấy nhiều hơn những gia đình con cái 60, 70 tuổi chăm sóc bố mẹ già 90, 100 tuổi. Ngoài trách nhiệm, cần rất nhiều sự quan tâm và kính hiếu với cha mẹ già, mới có thể vượt qua những vất vả.

“Cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ kể lể từng ngày. Người cao tuổi có cuộc sống tự lập nhưng phải quan tâm họ. Điều vô cùng quan trọng là yếu tố tinh thần, phải quý trọng, lễ phép và quan tâm cuộc sống tinh thần. Họ không ăn được nhiều nhưng cần lời nói, cử chỉ, ánh mắt thân thiện. Điều thứ hai là cần sự hậu thuẫn chăm sóc. Mô hình hiện nay về chăm sóc người cao tuổi rất phong phú đa dạng, phải phù hợp với từng điều kiện của từng bố mẹ….”, bác sĩ Mai Xuân Phương cho biết.

Trong xã hội, từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn là thiết chế cơ bản nhất và gắn liền với đời sống của mỗi con nguời. Dù tâm lý khi về già có biến đổi phức tạp hay như cách chúng ta vẫn gọi là “khó chiều” thì người cao tuổi vẫn là trụ cột về tinh thần cho tất cả con cháu trong nhà. Người cao tuổi sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn nếu sống trong sự thương yêu, chăm sóc và đặc biệt là thấu hiểu từ con cháu. Ở chiều ngược lại, khi coi trọng, kết nối, lắng nghe người cao tuổi, con cháu sẽ nhận được rất nhiều. Đó là bài học, là truyền thống chữ hiếu bao đời nay của người Việt.