Bài viết bởi Bác sĩ Đoàn Dư Đạt
Lão hoá ở người cao tuổi liên quan chủ yếu đến sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đó chính là khởi nguồn của bệnh tật do tuổi tác.
1. Khái niệm người cao tuổi
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người cao tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. Theo Liên hợp quốc, người cao tuổi được tính từ 60 tuổi trở lên. Trong y học, người cao tuổi được phân thành các nhóm: từ 60 đến 75 tuổi được gọi là tuổi bắt đầu già, trên 75 đến 90 tuổi là người già và trên 90 tuổi là người già sống lâu. Lão hoá ở người cao tuổi liên quan chủ yếu đến sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đó chính là khởi nguồn của bệnh tật do tuổi tác.
2.1 Cảm thấy sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc nhiều hơn
Con cháu thường bận rộn với cuộc sống. Điều này làm cho người cao tuổi cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Họ rất muốn tuổi già của mình vui vẻ bên con cháu, muốn được người khác xem mình không là người vô dụng. Họ rất muốn được nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình và ngược lại. Họ sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình. Do đó, nên cư xử nhẹ nhàng, đừng để các cụ cảm thấy họ bị hắt hủi, bỏ rơi. Người lớn tuổi càng được quan tâm, chăm sóc thì tâm lý càng tốt và tuổi thọ càng cao hơn.
2.2 Dễ bị tủi thân
Đa số người cao tuổi nếu còn sức khỏe vẫn còn có thể giúp con cháu một vài việc vặt trong nhà, tự đi lại phục vụ mình, hoặc có thể tham gia được các sinh hoạt giải trí, cộng đồng. Nhưng cũng có một số người cao tuổi do tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nên sinh hoạt phần lớn phụ thuộc vào con cháu. Do vậy dễ nảy sinh tâm trạng chán nản, buồn phiền, hay tự dằn vặt mình. Người cao tuổi mà tuổi càng cao thì sức khỏe lại càng giảm sút, đi lại chậm chạp, không còn khả năng lao động, quan niệm sống khác với thế hệ sau… nên chỉ một thái độ hay một câu nói thiếu tế nhị có thể làm cho họ tự ái, tủi thân cho rằng mình già rồi nên bị con cháu coi thường. Đặc biệt, những người lớn tuổi thường ốm đau, con cháu thường xuyên chăm sóc khiến họ gặp áp lực, cảm thấy lo lắng khi làm phiền con cháu.
2.3 Hay nói nhiều hoặc dễ bị trầm cảm
Vì muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu, muốn con cháu sống theo khuôn phép đạo đức thế hệ mình nên họ hay bắt lỗi, nói nhiều và có khi còn làm cho người khác khó chịu. Với một bộ phận người cao tuổi bảo thủ và khó thích ứng với sự thay đổi, cộng với sự giảm sút của sức khỏe, khả năng thực hiện công việc hạn chế, nếu thời trẻ có những ước mơ không thực hiện được, hoặc không thỏa đáng, không hài lòng… có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh trầm cảm. Họ trở thành những người trái tính, hay
2.4 Tính tình dễ nóng nảy
Các cụ cao tuổi thường khá nóng tính và dễ tự ái, dễ tự ti, hay suy nghĩ tiêu cực nên tâm lý cũng hay nóng nảy. Vị trí xã hội thay đổi, từ người chăm sóc gia đình, trở thành người được con cháu chăm sóc. Người già thấy họ đã bị mất đi địa vị vốn có nên rất dễ bị tác động và khả năng kiềm chế cũng không cao, dễ sinh sự với những điều nhỏ nhặt. Những cụ sau khi nghỉ hưu rất hay phiền muộn, mất ngủ nên tinh thần họ bị tuột dốc và thường xuyên bị stress. Ngoài stress thì người lớn tuổi cũng dễ mắc các bệnh lý khác, nên chú ý quan tâm để tránh rơi vào các tình trạng tiêu cực.
2.5 Hay có sự đa nghi
Suy nghĩ nhiều này là nguyên nhân của sự lo lắng và tính nóng nảy. Người già rất mẫn cảm với tất cả mọi thứ như một sự khủng hoảng tâm lý khiến sức khỏe suy giảm. Chú trọng đến tâm sinh lý và quan tâm, chăm sóc các cụ sẽ giúp các triệu chứng này giảm thiểu.
2.6 Đôi khi sợ phải đối mặt với cái chết
Sinh – tử là quy luật của tự nhiên, dù vậy người cao tuổi vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những trường hợp các cụ bàn việc hậu sự cho mình, viết di chúc cho con cháu… có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ chết.
2.8 Dễ bị ngã trong sinh hoạt hàng ngày
Do hệ thống gân xương yếu, chức năng thăng bằng, phản xạ của thần kinh giảm, nên người già dễ bị ngã. Hậu quả của ngã ở người cao tuổi thường nghiêm trọng hơn nhiều so với người trẻ, thường gây ra các chấn thương lớn cho xương và da, các bệnh kèm theo nên khó hồi phục. Ở người già thường mắc một số bệnh như loãng xương kèm theo những thay đổi liên quan đến tuổi như phản xạ tự vệ chậm, do vậy khi ngã, kể cả khi ngã rất bình thường cũng trở lên nguy hiểm. Ngã là một trong những nguyên nhân chính gây tàn phế ở người cao tuổi.
2.9 Dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh lây chéo
Khi càng lớn tuổi, hệ miễn dịch càng suy yếu, người cao tuổi thường khó thích ứng hơn do hệ miễn dịch đã bị suy giảm. Lúc này, các cụ rất dễ mắc phải những căn bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là dễ nhiễm Covid-19.
Là đối tượng hay có đa bệnh. Khi tuổi của chúng ta càng cao thì nhiều chức năng của cơ thể càng bị suy giảm, sức khỏe càng yếu dần. Chính vì thế, người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát. Nhất là các bệnh xương khớp, tim mạch, hô hấp…