Sáng 3/1, tại TP Hà Nội, Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn bổ sung, sửa đổi Luật NCT”. TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tại Việt Nam; các Ban, Văn phòng, đơn vị thuộc Hội NCT Việt Nam và đông đảo cán bộ, hội viên NCT TP Hà Nội.
TS Phan Văn Hùng cho biết: Ngày 23/11/2009, tại kì họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người cao tuổi (NCT), gồm 6 chương, 31 điều, quy định những quyền cơ bản của NCT và nghĩa vụ của hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Nước ta là một trong số ít quốc gia có Luật NCT. Công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT ngày càng được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của NCT ngày càng cải thiện, quyền lợi NCT được đảm bảo…
Đến nay, sau 14 năm thực hiện Luật NCT, trong bối cảnh tình hình già hóa dân số, khoa học công nghệ, toàn cầu hóa biến đổi nhanh chóng, nhiều chính sách mới ra đời, vì vậy nhiều nội dung trong Luật NCT đến nay đã không còn phù hợp, rất cần được nghiên cứu, sửa đổi.
Nhận thấy tầm quan trọng sửa đổi, bổ sung Luật NCT, Ban tổ chức Hội thảo đã mời các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lí, các thành viên Hội đồng Khoa học, lãnh đạo các cơ quan liên quan và đông đảo hội viên NCT Thủ đô Hà Nội đến dự phát biểu ý kiến, nói nên tiếng nói của những người thụ hưởng, nêu những mặt được, những hạn chế và các kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật NCT trong thời gian tới.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em: Luật NCT quy định “NCT là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, hiện nay tuổi thọ của NCT Việt Nam tăng nhanh (trung bình: năm 1999 là 68,2 tuổi, năm 2009 là 72,8 tuổi, năm 2019 là 73,6 tuổi). Theo Nghị định 135 của Chính phủ, từ năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và từ năm 2035 nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Hiện tại, các nước trên thế giới cũng lấy tiêu chuẩn cho người lao động nghỉ hưu từ 65 tuổi, cho nên quy định “NCT là công dân từ 65 tuổi trở lên” là phù hợp.
Bên cạnh đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyền và nghĩa vụ của NCT về nhu cầu ăn, nhu cầu mặc, nhu cầu ở, nhu cầu đi lại, chăm sóc cho NCT và Điều 17, Đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; nên giảm độ tuổi tối thiểu được hưởng trợ cấp xã hội xuống 70 và phân biệt “chuẩn về tuổi hưởng trợ cấp xã hội” theo nhóm căn cứ vào tuổi thọ trung bình. Ngoài ra, cần bổ sung một số điều nhằm tăng cường pháp luật để phát huy vai trò NCT; trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước về công tác NCT; bảo vệ sức khỏe, tính mạng, sài sản của NCT.
TS Đoàn Hữu Bẩy, Chánh Văn phòng Hội NCT Việt Nam cho rằng: Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số đang là trọng tâm của các quốc gia, cần nâng cao nhận thức về già hóa dân số. Trong thời gian tới tăng cường tuyên truyền; hoàn thiện thể chế; tham mưu với Ban Bí thư Tổng kết Chỉ thị 59 về Chăm sóc NCT và ban hành chủ trương mới về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; thống nhất tổ chức Hội 4 cấp… Cần sửa Luật NCT năm 2009 và các chính sách theo hướng ngày càng đảm bảo quyền lợi cho NCT, NCT cần được phát huy và đóng góp, xây dựng chiến lược lược quốc gia ứng phó với già hóa dân số đến năm 2035, tầm nhìn 2045.
Kết luận Hội thảo, TS Phan Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến, đóng góp đầy trách nhiệm và thực tiễn của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Trung ương Hội NCT Việt Nam tiếp thu, phân tích để hoàn thiện Dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật NCT cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò NCT trong thời kì mới.
Hoàng Nam – Nguyễn Hải