Ở tuổi 64, ông Abdol Roman nhiệt tình tham gia Tổ tự quản, ấp đội phó
BTN – Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, ở tuổi đôi mươi, như nhiều người dân xứ Tân Châu (An Giang), Abdol Roman lên đường tham gia dân công hoả tuyến, hỗ trợ tiền tuyến. Ông nói rằng, đó là những năm tháng không thể nào quên của tuổi trẻ
Ông Roman đang làm việc.
Hoà bình, trở về địa phương, ông cùng gia đình trải qua cuộc sống vùng sông nước miền Tây với nhiều khó khăn. Ông kể: “Thời gian đó, ở miền Tây, cuộc sống vất vả, có những ngày không có gạo nấu cơm cho cả gia đình”. Ông quyết định rời quê, cùng vợ con tìm một vùng đất mới.
Năm 1999, gia đình ông đến cư trú tại ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu. “Tôi quyết định chọn nơi này vì cũng gọi là Tân Châu, gợi cho tôi nhớ về miền quê cũ, cảm giác gần gũi và gắn bó như với chính quê hương mình vậy”- ông Abdol Roman nhớ lại.
Những ngày mới đến, khu vực ấp Hội Thanh chỉ trên dưới 10 nóc nhà, khá thưa vắng. Nhưng ông Roman và gia đình không lấy làm lo sợ hay buồn chán. Họ cần mẫn làm ăn.
Ông và các con đi làm thuê, vợ ông làm các loại bánh miền Tây bán mỗi buổi sáng cho những người đi làm thuê ở khu vực này. Cuộc sống trôi qua dễ dàng hơn những ngày ở quê. Ông nói: “Chỉ cần có chiếc xe đạp cũ, chịu khó thì có việc làm, có cái ăn”.
Hơn 20 năm trôi qua, nhưng những ký ức ban đầu nơi vùng đất mới với ông Roman vẫn còn nguyên. Ông nhớ những ngày mới định cư, là người dân tộc Chăm nhưng ông biết rành tiếng Việt, được mọi người trong ấp tin tưởng. Và cuộc sống “vác tù và hàng tổng” của ông bắt đầu.
Ông Roman kể, ngày còn nhỏ sống cùng những người bà con tại Thành phố Hồ Chí Minh nên ông rành và hiểu tiếng Việt, sau làm dân công hoả tuyến tiếp xúc với bộ đội, ông dạn dĩ thêm. Nhờ vậy, dù mới chân ướt chân ráo lên vùng đất mới, ông đã nhanh chóng trở thành “cầu nối” giữa đồng bào dân tộc thiểu số với chính quyền địa phương.
Vậy là từ đó, địa phương muốn tìm hiểu thông tin, tuyên truyền trong người dân là tìm đến ông Roman. Người dân muốn bày tỏ ý kiến của mình tới chính quyền cũng tìm ông Roman.
“Tôi không nghĩ sẽ làm gì đâu, chỉ lo kiếm sống nuôi gia đình thôi. Nhưng lúc đó, nhiều việc của bà con phải nhờ mình hỗ trợ nên dần dần nhận nhiệm vụ luôn”- ông Roman chia sẻ.
Vậy là ông nhiệt tình tham gia Tổ tự quản, ấp đội phó. Ban ngày đi làm, đêm cùng lực lượng dân quân của xã tuần tra góp phần gìn giữ an ninh cho khu vực. Bên Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam), ông được bầu làm thư ký Ban đại diện tại địa phương, rồi thành viên Ban đại diện tỉnh cho đến nay.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 64, ông Roman không còn tham gia lực lượng tuần tra, nhưng vốn quen việc, ông thường xuyên quan sát, dòm ngó, luôn cảnh giác nếu có gì lạ liền báo cáo chính quyền kiểm tra.
Nhờ vậy, thời gian qua, ông Roman góp phần bảo vệ tốt an ninh trật tự khu vực. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ông Roman tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch trong cộng đồng dân tộc Chăm.
Ông không ngại khó, cùng chính quyền đi tuyên truyền các chỉ thị, biện pháp phòng, chống dịch cho người dân, được Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh khen thưởng.
Ông Roman trong đợt tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Roman chia sẻ, cuộc sống của bà con mình bây giờ đã no đủ. Ông cho biết, cộng đồng dân tộc Chăm tại ấp Hội Thanh có khoảng 82 hộ, chia làm 2 tổ dân cư. Người dân chủ yếu sống bằng nghề cạo mủ cao su, công nhân, làm thuê.
Nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường vào xóm nay đã được bê tông cao ráo, đi lại thuận tiện. An sinh xã hội bảo đảm, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ bà con thường xuyên. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao so với trước đây.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho bà con hiểu. Và trong những dịp này, ông Roman luôn đồng hành với chính quyền, sẵn sàng giải thích nếu bà con có điều chưa hiểu rõ.
Ông Roman nói: “Tôi coi nơi này như quê hương của mình, làm được gì để giúp địa phương, giúp bà con tôi cũng sẵn lòng”. Với suy nghĩ đó, ông Roman luôn nghiêm túc với các nhiệm vụ, hỗ trợ địa phương trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, và truyền tải ý kiến của bà con người Chăm đến chính quyền, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.
Không chỉ vậy, ông cố gắng giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Chăm, lưu truyền cho con cháu trong gia đình và trong cộng đồng, như ẩm thực, phong tục cưới xin…
Ông cười nói: “Tôi khuyên con, cháu ráng học để biết chữ. Tôi ít chữ, nhiều năm lao động vất vả, không nhiều của cải để lại cho con, cho cháu, chỉ biết cho chúng cái chữ để làm tài sản, mong sau này chúng có cuộc sống tốt hơn”.
Sống ở đâu thì đó là nhà, là quê hương. Dù làm việc lớn hay nhỏ cũng luôn hết mình. Đó là cách mà cựu chiến binh người Chăm Abdol Roman sống và làm việc. Những việc tuy không lớn lao nhưng mang lại cho ông nhiều niềm vui, hạnh phúc vì giúp ích cho cộng đồng.
Ông nghĩ rằng, nếu ngày đó không xông xáo nhận làm việc thì có lẽ ông sẽ không có nhiều bạn bè, anh em, đồng chí, được đi đến nhiều nơi. Những điều đó, với ông thật quý giá!
Vi Xuân