Ngày 28/1/1941, sau 30 năm quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành lại độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào ta. Sở dĩ Người và các đồng chí của mình lựa chọn Pác Pó làm đại bản doanh đầu tiên cho đầu não cách mạng là vì địa bàn này hiểm trở, có lối thông với phía Trung Quốc, đặc biệt là vùng này có độ an toàn cao về lòng dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, là một trong những nơi có phong trào yêu nước phát triển sâu rộng ở vùng miền núi phía Bắc, có những người con ưu tú sớm tham gia cách mạng và hoạt động tại địa bàn, tiêu biểu là đồng chí Hoàng Đình Giong. NCT trong vùng đã thể hiện gương sáng yêu nước, họ không chỉ quan tâm, chăm lo cung cấp lương thực, thực phẩm, trông coi an ninh, an toàn cho cán bộ, mà còn hăng hái tham gia hoạt động cứu quốc. Ngày 19/5/1941, tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sang giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng thời thành lập Mặt trận Việt Minh, làm hạt nhân tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm đủ sức mạnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong Thư gửi các cụ phụ lão, ngày 6/6/1941, Hồ Chí Minh khích lệ tinh thần ái quốc của NCT nước nhà: “Than ôi! Tổ quốc chìm đắm, đồng bào lầm than, bốn bề mờ mịt, vuốt ngực tự hỏi: Phụ lão có lòng nhiệt thành chăng? Có lòng ái quốc chăng?”(dẫn theo nguồn từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản). Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh dường như mang thần khí của Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo trước thế giặc mạnh Nguyên – Mông. Do vậy, từ năm 1941-1945, đã có hàng chục vạn NCT tham gia vào tổ chức “Hội phụ lão cứu quốc”, để tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh; xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn – Võ Nhai, củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang của Đảng, nuôi giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ; làm công tác binh vận, giữ bí mật các cơ sở hoạt động của Đảng, tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ của địch; vận động thanh niên không đi lính cho thực dân Pháp, không làm tay sai cho Nhật; tích cực xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Các phụ lão cứu quốc thực sự là một lực lượng trực tiếp tham gia phong trào vận động cứu nước, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời còn là gương sáng tiên phong xông pha trước họng súng quân thù, dám xả thân vì nước.
Ảnh tư liệu |
2. Phụ lão cứu quốc hăng hái cùng con cháu xông lên đánh Pháp, đuổi Nhật
Một trong những bài học lịch sử quan trọng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 được đặt lên hàng đầu là Đảng đã biết tuyên truyền, giác ngộ, vận động, xây dựng lực lượng cách mạng đông đảo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên yếu tố quyết định cho sức mạnh bạo lực cách mạng, đủ sức đè bẹp lực lượng phản cách mạng. Các bậc phụ lão là một lực lượng mang biểu tượng sáng ngời về giá trị tinh thần và trí tuệ của người Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập. Có một chi tiết liên quan tới sức khỏe của Bác Hồ vào thời điểm sát tới Tổng khởi nghĩa, Người ốm nặng tại lán Nà Lừa (ở Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang), rất may nhờ sự cứu giúp của đồng bào, nhất là người cao tuổi trong vùng, nên Người đã vượt qua cơn bạo bệnh. Trong hồi kí của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại: “Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần…”. May mắn có người già là người dân tộc thiểu số đã hết lòng cứu giúp mà nước nhà còn có sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám và những năm về sau.
Tại sự kiện Quốc dân Đại hội Tân Trào (từ ngày 16 – 17/8/1945), đại biểu phụ lão cứu quốc là một thành phần quan trọng trong số hơn 60 đại biểu đại diện các giai tầng, các vùng miền, các tổ chức chính trị, các đoàn thể. Biểu quyết của đại biểu phụ lão cứu quốc khi được hỏi về quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền có ý nghĩa làm tăng thêm chí khí, là cơ sở lòng dân giúp cho Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa đúng lúc thời cơ chín muồi, nên đã mau chóng thắng lợi. Khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, thậm chí ở những địa phương dù lệnh Tổng khởi nghĩa chưa về tới nơi, các phụ lão đã quên tuổi già, hồi sinh tuổi trẻ, trong tay cầm chắc gậy, đòn gánh… hòa cùng đoàn quân khắp mọi thôn quê tấn công vào các công sở của bọn thực dân, phát xít, phong kiến, giành chính quyền về tay cách mạng.
Ngày Tuyên ngôn Độc lập, những người râu tóc bạc phơ hân hoan đón đợi lắng nghe lời tuyên ngôn đanh thép, hào hùng của Bác Hồ, nguyện thề một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời, hi sinh vì độc lập dân tộc. Không ít bậc phụ lão đã tham gia vào Chính phủ cách mạng, không ít trí thức cao niên tự giác tham gia chính quyền cách mạng, phụng sự Nhân dân. Điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng, đã tuổi 70 nhưng được Bác thuyết phục mời tham gia vào Chính phủ, giữ chức Phó Chủ tịch nước. Cũng ngay sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ đã kêu gọi đồng bào thực hiện “Tuần lễ vàng”, lập ra “Qũy độc lập”. Các phụ lão bất kể là nông dân hay địa chủ, tư sản, đều tự giác quyên góp vàng bạc, châu báu hoặc đồng tiền ít ỏi cho công cuộc kiến quốc, vệ quốc vĩ đại.
3.Người cao tuổi là rường cột xã hội cho sự hùng cường trường tồn dân tộc
Giờ đây, nhìn lại những hình ảnh tư liệu về các cuộc mít tinh hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vàng” tại Hà Nội, thấy nhiều bậc phụ lão, nhất là phụ nữ tinh thần rất phấn chấn, tự tâm với chế độ mới, ta càng thêm thấu hiểu tinh thần yêu nước của phụ lão là một giá trị qúy báu, hiếm có, một lực lượng vật chất, một sức mạnh tinh thần to lớn trong Cách mạng tháng Tám. Các phong trào thi đua ái quốc từ năm 1948 đến nay, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần trong các giai tầng xã hội, nhất là trong các thế hệ NCT – lực lượng quan trọng của xã hội Việt Nam hiện đại. Đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, NCT Việt Nam tiếp tục tô thắm bề dày lịch sử vẻ vang của mình. Họ vẫn bám trụ nơi đường biên giới để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, họ vẫn động viên con cháu ra đảo xa, lên vùng biên để gìn giữ non sông gấm vóc, họ còn là một lực lượng lao động, thậm chí còn là chủ các trang trại, cơ sở sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước, họ cũng là những người miệt mài nghiên cứu khoa học, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, họ là văn nghệ sĩ gạo cội, những nghệ nhân trên nhiều lĩnh vực, biết giữ lửa cho văn hóa – bồi đắp hồn cốt dân tộc, và còn có một bộ phận cựu chiến binh cao tuổi vẫn lặng lẽ khoác ba lô băng rừng đi tìm hài cốt đồng đội. Đảng, Nhà nước đã, đang và tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong tiến trình hướng tới khát vọng dân tộc hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) sẽ là định hướng chính trị quan trọng cho công tác của Hội NCT Việt Nam vươn lên tầm cao mới.
Không thẹn lòng với tiền nhân, NCT Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã và đang thể hiện rõ tinh thần “Tuổi cao – Gương sáng”, “Tuổi cao chí càng cao”. Với một lực lượng đông đảo (chiếm gần 1/6 dân số cả nước), trong đó có khoảng 11 triệu hội viên Hội NCT, tuy không còn trong độ tuổi lao động chính, nhưng dưới các góc độ khác nhau, cán bộ, hội viên Hội NCT Việt Nam đều có thể tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Có ý kiến chuyên gia cho rằng, tới 40% người trong độ tuổi từ 60 trở lên hiện vẫn là lực lượng lao động trực tiếp trong đời sống xã hội. Vì thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, NCT Việt Nam dù trong bất kì hoàn cảnh nào, họ luôn luôn là rường cột của nền tảng xã hội, bảo đảm cho sự trường tồn dân tộc.