BTN – “Nói thật lòng, có được cuộc sống như hôm nay, chúng tôi biết ơn Đảng, chính quyền nhiều lắm. Là người đi qua chiến tranh và mạnh dạn làm kinh tế trong những năm đầu đất nước đổi mới, tôi vô cùng có thiện cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh- con người của lịch sử”- ông Phan Văn Thà mở đầu cuộc trò chuyện.
Ông Phan Văn Thà trong lễ vinh danh nông dân sản xuất giỏi.
“Nói thật lòng, có được cuộc sống như hôm nay, chúng tôi biết ơn Đảng, chính quyền nhiều lắm. Là người đi qua chiến tranh và mạnh dạn làm kinh tế trong những năm đầu đất nước đổi mới, tôi vô cùng có thiện cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh- con người của lịch sử”- ông Phan Văn Thà mở đầu cuộc trò chuyện.
Dám nghĩ dám làm
Ông Phan Văn Thà- nhân vật chính trong bài này không xa lạ với báo chí, bởi ông quá nổi tiếng. Ông xuất hiện nhiều lần, nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sinh năm 1953 tại Campuchia, năm 1970, người thanh niên Phan Văn Thà, 17 tuổi, tham gia đoàn quân kháng chiến (Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam).
Hết chiến tranh, ông Thà về TP. Hồ Chí Minh công tác một thời gian. “Đầu năm 1981, nặng lòng với mảnh đất mình từng gắn bó trong những năm chiến tranh, tôi trở lại Tân Biên, gia đình lớn của tôi cũng đang ở đây”- ông Thà thông tin về bản thân. Trở lại chiến trường xưa, ông Thà đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau trong bộ máy của Đảng, năm 2013, ông Thà nghỉ hưu theo chế độ. Hiện tại, ông tham gia đoàn hội thẩm của Toà án nhân dân huyện Tân Biên.
Ông kể, những năm đất nước còn duy trì nền kinh tế chỉ huy, quan liêu bao cấp, sản xuất nông nghiệp vô vùng khó khăn, ngay cả vùng được coi là vựa lúa của đất nước- đồng bằng Sông Cửu Long cũng gặp vô số vấn đề. Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới (1986), “tôi thấy đây là quyết định đúng đắn, đổi mới là tất yếu khách quan, điều này không phụ thuộc chủ quan của cá nhân hay tập thể nào”- ông Thà nói về thời điểm lịch sử khi đất nước chuyển mình.
Ông Thà khởi nghiệp với cây mì và thành công ngay từ buổi đầu. “Khó khăn không sao kể xiết, nhưng tôi hiểu rằng, dẫu khó khăn bao nhiêu cũng không bằng lúc còn chiến tranh, bom rơi đạn nổ. Ông kể, lúc mới làm kinh tế, mở rộng sản xuất, ông và gia đình gặp không ít trở ngại, bởi dù Đại hội VI của Đảng đã quyết định đổi mới nhưng từng con người cụ thể (cán bộ, đảng viên) không phải ai cũng thông suốt chủ trương, đường lối của Đảng.
Đến hôm nay, khi được hỏi, không tính thời gian tham gia kháng chiến, chỉ lấy cột mốc từ khi làm nông nghiệp, đã bao giờ ông thất bại chưa? Sau vài giây suy nghĩ, ông Thà cho biết chưa bao giờ thất bại trong sản xuất nông nghiệp dù khó khăn, thách thức rất lớn, ở mỗi thời điểm khác nhau.
“Những ngày đầu, tôi nhiều đêm trăn trở, đấu tranh tư tưởng, mình làm thế này- ý nói tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, thuê người làm- có trái với quy định của Đảng không. Nhưng tôi nghĩ, nếu có điều đó, cũng do nhà nước chưa điều chỉnh kịp thời, chứ mình lo cho gia đình, con cái có cơm ăn áo mặc, được học hành, không có gì sai”- ông Thà nhớ lại thời kỳ đầu của hai chữ đổi mới.
Một trong những loại cây làm giàu cho gia đình ông Thà là cây cao su- thời kỳ hoàng kim được ví như “vàng trắng”- tức mủ cao su. Thời thuộc Pháp, gia đình ông làm thuê bên Campuchia, cha mẹ, anh chị em và cả ông đều có kinh nghiệm trồng cao su.
Tuy nhiên, đây là cây lâu năm, không thể đầu vụ trồng cuối vụ thu hoạch. “Tôi nghĩ phải lấy ngắn nuôi dài. Nhưng cái gì ngắn cái gì dài, chưa nghĩ ra. Sau cùng, tôi xuống Long An mua cây mì giống về trồng. Thời điểm đó, đất Tân Biên rất tốt, màu mỡ. Cây mì phát triển, vừa trúng mùa vừa được giá. Tôi thu lãi liên tục từ loài cây tương đối ngắn ngày này. Chính cây mì làm bước đệm, tạo đà cho tôi mở rộng sản xuất”- ông Thà kể về con đường làm kinh tế.
Ông nói, hàng chục năm trước, một lần sang xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên), ông thấy cả vùng biên giới không có cây xăng, không có dịch vụ cung ứng sản xuất nông nghiệp. Thế là ông làm. Tất nhiên, thời điểm đó, trở ngại rất nhiều, kể cả thủ tục hành chính cũng như tư duy, quan niệm đảng viên làm kinh tế. “Bà nhà tôi nói, mình làm vậy có sai với Đảng không, có khó khăn gì không. Tôi nói, mình làm ăn chân chính, có gì sai.
Còn khó khăn ư? Bà và tôi đi trong chiến tranh, gian khổ vạn lần hơn còn vượt qua được, tại sao giờ hoà bình lại không thể. Trong chiến tranh, có thời gian tôi làm cận vệ cho lãnh đạo. Người làm cận vệ bao giờ cũng tính toán cẩn thận, đề ra nhiều phương án, kế hoạch khác nhau. Có thể vì thế, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng tôi ít thất bại”- ông Thà tiếp tục kể về con đường phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Thà và ông Nguyễn Văn Út- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Biên.
Không chỉ nhận riêng mình
Ông Thà cho biết, đã đi qua những năm tháng kháng chiến, chứng kiến sự hy sinh mất mát của nhiều người nên ông và gia đình quyết định đóng góp cho xã hội. “Tôi nói với bà nhà, mình đi qua chiến tranh, may mắn trở về, cơ thể vẹn nguyên, trong khi nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống. Mình có của ăn của để, chia sẻ với những người đã hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc và cả những người không may mắn.
Tôi đến nhà mẹ Gấm (Mẹ Việt Nam anh hùng ông Thà nhận phụng dưỡng suốt đời – PV) hỏi, mộ phần chồng con mẹ giờ ở đâu. Mẹ Gấm nói, chỉ biết chồng hy sinh, không biết mộ ở đâu. Hai con trai hy sinh, một có mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, thằng còn lại không có mộ. Người mẹ hy sinh, mất mát lớn như thế, phụng dưỡng mẹ là bổn phận của tôi. Tôi đưa tiền cho mẹ một lần, không để mẹ phải chờ như nhận chế độ hằng tháng”- ông Thà nói về công tác xã hội.
Đầu những năm 2000, gia đình ông Thà đã tặng nhiều cặp bò sinh sản cho những hộ nghèo trên địa bàn huyện Tân Biên; nhận phụng dưỡng suốt đời 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 2 cháu là con nạn nhân chất độc da cam; giúp Quỹ đồng đội nghèo vượt khó 5 năm 150 triệu đồng.
Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Thà ủng hộ cho địa phương trên 300 triệu đồng; giúp con giống; vận động khám, cấp thuốc, tặng quà, xây nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; ủng hộ chi phí bắn pháo hoa đêm giao thừa… với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ước tính, thời gian qua, gia đình ông Thà đã đóng góp từ thiện, từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Út- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Biên đánh giá, không chỉ là cán bộ tốt khi còn công tác, trong sản xuất, kinh doanh, ông Thà rất giỏi, nhạy bén và có nhiều sáng tạo. Thành công trong cuộc sống, kinh tế khá giả, gia đình ông Thà không quên những người khó khăn, những phận người không may mắn nên giúp đỡ, hỗ trợ họ rất nhiều. Nghĩa cử này là cả một tấm lòng chứ không chỉ vật chất thuần tuý. Ông Thà là người “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Việt Đông – Hoàng Yến