Ngày 23/6/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng kí ban hành Văn bản số 58-KL/TW thông báo kết luận của Ban Bí thư (Kết luận 58) về tổ chức và hoạt động của Hội NCT Việt Nam. Nhân dịp này, TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV dành cho phóng viên Tạp chí Người cao tuổi cuộc phỏng vấn… |
–Thưa Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ, Kết luận 58 của Ban Bí thư ra đời như thế nào?
– Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kí Quyết định số 523/TTg về việc quyết định cho phép thành lập Hội NCT; trong đó quy định: Hội NCT được tổ chức ở trung ương và ở xã, phường, thị trấn. Ngày 9/5/1995 đã diễn ra Đại hội thành lập Hội NCT Việt Nam. Theo nguyện vọng của đông đảo hội viên và đề nghị của Trung ương Hội, Ban Bí thư đã cho phép Hội tổ chức mô hình Ban Đại diện (BĐD) Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức thí điểm mô hình Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện tại 13 tỉnh, thành phố. Như vậy, hiện nay trong hệ thống tổ chức Hội NCT đang tồn tại 2 mô hình: Tại 13 tỉnh, thành phố là Hội NCT; tại 50 tỉnh, thành phố đang hoạt động theo mô hình BĐD Hội NCT. Việc thí điểm mô hình Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện sau 10 năm đã cho nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai trong toàn quốc. |
Những năm qua, tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể địa phương quan tâm chăm lo, ban hành và vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách đối với NCT, tạo thuận lợi nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng”, NCT tiếp tục phát huy ý chí, nghị lực, kinh nghiệm, trí tuệ, tiếp tục tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, v.v. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, số ít cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác NCT và hoạt động Hội; hiệu quả công tác Hội và phong trào NCT ở một số Hội/ BĐD chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò NCT trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, của địa phương; có nơi bố trí cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong tình hình mới, cần phải có tổ chức Hội NCT thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn chính đáng của đông đảo cán bộ, hội viên NCT cả nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt đại biểu NCT dự Đại hội VI Hội NCT Việt Nam, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì và trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 134, đã tổ chức khảo sát toàn diện, kĩ lưỡng, đánh giá thực tiễn mô hình tổ chức Hội NCT ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban Thường vụ Trung ương Hội đã làm việc với Ban Thường vụ 49 tỉnh, thành phố đánh giá tình hình hoạt động Hội/ BĐD Hội NCT và thống nhất mô hình Hội NCT 4 cấp là vấn đề cấp thiết của Hội hiện nay. Trong các cuộc khảo sát, làm việc của các Ban, Bộ ngành Trung ương về tổ chức bộ máy Hội, đại đa số các địa phương đều kiến nghị Ban Bí thư sớm cho chủ trương thành lập tổ chức Hội thống nhất đủ 4 cấp. Từ đó, Ban Dân vận Trung ương tham mưu và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương chuyển đổi mô hình Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện tại Kết luận số 58.
– Trong Kết luận 58 có nội dung về việc “xây dựng Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi đủ điều kiện”. Có thể hiểu nội dung này như thế nào, thưa ông?
– Tại Quyết định số 523/TTg ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Hội NCT cấp Trung ương và Hội NCT xã, phường, thị trấn. Vì vậy, Kết luận 58 chỉ nhắc đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức Hội NCT ở cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, sau khi triển khai Kết luận 58 của Ban Bí thư, cả nước sẽ kiện toàn, thống nhất mô hình tổ chức Hội NCT 4 cấp từ trung ương đến cơ sở.
Cũng có ý kiến băn khoăn, tại sao lại chỉ thành lập Hội “ở những nơi có điều kiện”. “Điều kiện” ở đây là điều kiện về cơ sở vật chất như nơi làm việc, số lượng cán bộ làm công tác Hội, số lượng hội viên và các điều kiện khác theo quy định tại Nghị định 45 ngày 21/4/2020 của Chính phủ.
Về việc này, khi Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 134 làm việc và gửi văn Ban Bí thư chỉ đạo “những nơi có điều kiện” là thể hiện sự dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện linh hoạt cho cấp ủy địa phương triển khai Kết luận 58 phù hợp tình hình và yêu cầu thực tiễn ở địa phương; tránh biểu hiện nóng vội mà thiếu cẩn trọng chuẩn bị kĩ lưỡng các điều kiện cần thiết, dẫn đến bộ máy thiếu vững chắc, hoạt động kém hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả Kết luận 58 của Ban Bí thư, Hội NCT các cấp cần làm gì, thưa ông?
– Sắp tới, Trung ương Hội sẽ báo cáo với lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện, ban hành văn bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan. Đồng thời xây dựng Đề án của Hội về thành lập Hội cấp tỉnh, cấp huyện theo quy trình, đúng quy định, làm đến đâu thành công đến đó, không nóng vội.
Trước mắt, Hội NCT các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài trung ương và địa phương, các bản tin NCT… về nội dung Kết luận 58 của Ban Bí thư (được phổ biến đến chi bộ, đảng viên); tuyên truyền tính tất yếu, sự cần thiết thành lập Hội NCT ở cấp tỉnh, cấp huyện; góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến tích cực các hoạt động xã hội, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với triển khai thực hiện Kết luận 58.
– Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ!