Người già yếu không có lương hưu được trợ cấp hưu trí là một trong những nội dung được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 114/NQ-CP trong phiên họp mới đây về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Người già yếu không có lương hưu được trợ cấp hưu trí
Cụ thể, tại Nghị quyết 114/NQ-CP 2023 phiên họp về dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi tại dự án dự thảo Luật Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chính sách trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu cũng là chính sách mới được bổ sung tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách Nhà nước trợ cấp một khoản cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.
Cụ thể, với chính sách này, công dân không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác sẽ được nhận chế độ trợ cấp hưu trí xã hội với các quyền lợi như sau:
Thứ nhất là được trợ cấp hằng tháng = 500.000 đồng/người/tháng.
Thứ hai là được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Và thứ ba, khi mất thì người lo mai táng được trợ cấp 1 lần = 10 triệu đồng.
Trước đó, tại Điều 26 Dự thảo Luật BHXH, Bộ Lao động Thương binh xã hội đề xuất điều kiện đối với người được hưởng trợ cấp hưu trí là có độ tuổi 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách Nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng mỗi tháng.
Tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách.
Mức hưởng trợ cấp xã hội với người cao tuổi hiện hành
Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và khoản 2 Điều 4 Nghị định 20 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng.
Theo đó, đối tượng và mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:
1 – Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
+ Nếu từ đủ 60 tuổi – 80 tuổi: được hưởng hệ số trợ cấp là 1,5 mức trợ cấp cụ thể là 540.000 đồng/tháng.
+ Nếu từ đủ 80 tuổi trở lên: được hưởng hệ số trợ cấp là 2 mức trợ cấp cụ thể là 720.000 đồng/tháng.
2 – Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
3 – Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
Đều được hưởng hệ số trợ cấp là 1 mức trợ cấp cụ thể là 360.000 đồng/tháng
4 – Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Được hưởng hệ số trợ cấp là 3 mức trợ cấp, là 1.080.000 đồng/tháng.