BTN – Gia đình các mẹ từ sớm đã tham gia cách mạng, nuôi con cháu trong cảnh khó khăn, nhưng khi Tổ quốc cần, các mẹ đã động viên, tiễn chồng, con ra chiến trường.
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thạnh thắp hương lên bàn thờ con- liệt sĩ Nguyễn Văn Trung.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hai (thành phố Tây Ninh) sinh ra ở vùng Củ Chi đất thép thành đồng. Chồng mẹ- liệt sĩ Phạm Văn Sưa tham gia cách mạng từ năm 1947, là cán bộ Ban An ninh tỉnh. Năm 1952, mẹ kết hôn và về nhà chồng ở An Tịnh (Trảng Bàng)- một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng và phong trào yêu nước của Tây Ninh.
Mẹ tham gia kháng chiến, khi đó gọi là “bộ đội đầu tóc”, sau mẹ được phân công nhiệm vụ trong Ban Cán sự Phụ nữ, đến năm 1968 tham gia vào Ban Chấp hành Phụ nữ. Nơi hậu phương, mẹ làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực ra chiến trường, đào hầm nuôi giấu bộ đội và cán bộ hoạt động cách mạng. Trong quá trình tham gia cách mạng, mẹ nhiều lần bị địch giam giữ, tra tấn.
Sau lần đi thăm chồng ở căn cứ, mẹ mang thai, tự sinh con, nuôi con một mình. Con trưởng thành, mẹ động viên các con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Nơi chiến trường, chồng và các con của mẹ đã gặp nhau.
Thiếu nhi Tây Ninh đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thạnh.
Ngày 11.6.1972, trong trận bom ở Gò Chùa (Gò Dầu), con của mẹ – liệt sĩ Phạm Văn Dân, cán bộ Ty Công an Tây Ninh hy sinh khi tròn 20 tuổi. Mẹ kể, ngày đó, chiều mẹ vào cơ sở ở Thạnh Đức (Gò Dầu) thăm con thì tối đó con hy sinh. “Mẹ vẫn chưa hay biết gì, qua ngày thứ hai mẹ mới nghe tin trên Gò Chùa hy sinh 6 người, trong đó có con của mẹ, trời ơi, đau đớn lắm con”- mẹ Hai nghẹn ngào.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Láng (thị xã Trảng Bàng) nay đã ngoài trăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, mẹ xúc động kể lại: “Chồng và người con trai của mẹ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ba người con gái của mẹ mất cùng một ngày khi đi tiếp tế lương thực cho bộ đội, thời gian đó mẹ gần như điên bởi sự mất mát quá lớn này. Đau chứ… bởi những người thân yêu nhất, những đứa con do mẹ rứt ruột sinh ra đã lần lượt bỏ mẹ ra đi. Nhưng mẹ tự hào về người chồng, người con của mình đã góp máu xương cho hoà bình, độc lập của dân tộc”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thạnh cùng chồng là cụ Nguyễn Đâu tham gia cách mạng từ sớm với nhiệm vụ tải đạn, tiếp tế lương thực ra chiến trường ở tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc tỉnh Bình Định) và là thành viên trong Đoàn Văn công. Mẹ có người con duy nhất là liệt sĩ Nguyễn Văn Trung, đi bộ đội năm 1963 và hy sinh vào năm 1969 ở chiến trường Phù Cát (tỉnh Nghĩa Bình).
Lần lượt nhận tin con rồi chồng đều hy sinh, chiến tranh khốc liệt, mẹ và các em của mẹ vào Tây Ninh định cư. Cho đến nay, mẹ vẫn chưa tìm được mộ của chồng và con, trên bàn thờ không có di ảnh, mẹ chỉ thờ con bằng tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và bằng Tổ quốc ghi công, mỗi ngày mẹ thắp đèn dầu, đốt nhang rồi ngồi bên cạnh bàn thờ thương nhớ con.
Đoàn viên thị xã Trảng Bàng đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Láng.
Chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhiều thế hệ thanh niên ngày đó tiếp tục lên đường tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Phận, con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trơn (thị xã Trảng Bàng).
Tháng 9.1986, nghe tin có người hy sinh, một số người ở Vàm Trảng (phường An Hoà) tưởng là con mình mất nên đi tìm, sau có người cho hay người hy sinh là con của mẹ Trơn. Người đồng đội của con trai mẹ cầm giấy tờ của 5 đồng đội đã hy sinh trở về và cho thân nhân hay vị trí nơi anh chôn cất đồng đội.
Cầm trên tay xấp giấy tờ và ảnh cá nhân của con đã thấm máu, biết con mình không còn mà mẹ chết lặng. Tháng 8 (âm lịch) mưa dầm, trong đêm khuya, một mình mẹ Trơn lặn lội theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của người dân bên đường để lên nghĩa trang Trại Bí (thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên) tìm mộ con. Đến nơi, mẹ chỉ biết khóc trước nấm mộ đất và tấm di ảnh nhỏ, mẹ cầm nắm đất kêu lên: Con về với mẹ nghen!
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trơn lau di ảnh con- liệt sĩ Nguyễn Văn Phận.
Lâu lâu, mẹ lại lấy trên bàn thờ những kỷ vật của con đã phai vết máu, ngắm nghía rồi ôm vào lòng và khóc. Mỗi năm, vào 25 tết, mẹ lên Tân Biên thăm mộ con. Trước đây, có người ngỏ ý đưa mộ liệt sĩ về địa phương, nhưng mẹ vẫn muốn con được nằm bên đồng đội.
Còn rất nhiều những câu chuyện, kể làm sao cho hết về công lao to lớn của các mẹ. Những hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành huyền thoại, niềm tự hào của đất nước trong phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc; là động lực cho nhiều thế hệ người Tây Ninh phấn đấu bảo vệ độc lập, tự do và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tính đến tháng 7.2023, toàn tỉnh có 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Trong đó: thành phố Tây Ninh có 2 Mẹ VNAH, gồm mẹ Võ Thị Thạnh (SN 1927) ở phường Ninh Sơn và mẹ Lê Thị Hai (SN 1933) ở phường IV.
Thị xã Trảng Bàng có 7 Mẹ VNAH, gồm: mẹ Phạm Thị Láng (SN 1916) ở phường Lộc Hưng; mẹ Đồng Thị Chanh (SN 1929) ở phường Gia Lộc; mẹ Nguyễn Thị Phân (SN 1930) ở xã Đôn Thuận; mẹ Phan Thị Ba (SN 1934), mẹ Đỗ Thị Nhung (SN 1937) ở phường An Tịnh; mẹ Nguyễn Thị Lang (SN 1940) ở xã Hưng Thuận; mẹ Nguyễn Thị Trơn sinh năm 1948, ở phường An Hoà.
Thị xã Hoà Thành còn Mẹ VNAH Phạm Thị Bé (SN 1936) ở xã Trường Đông.
Huyện Gò Dầu còn Mẹ VNAH Phạm Thị Mạo (SN 1934) ở xã Phước Đông.
Huyện Châu Thành có 4 Mẹ VNAH gồm: mẹ Nguyễn Thị Sự (SN 1933), mẹ Nguyễn Thị Sáu (SN 1940) ở xã Hoà Hội; mẹ Phạm Thị Niệm (SN 1932) ở xã Hoà Thạnh và mẹ Nguyễn Thị Chảy (SN 1933) ở xã Đồng Khởi.
Huyện Dương Minh Châu có 3 Mẹ VNAH gồm: mẹ Nguyễn Thị Tám (SN 1927) ở xã Bến Củi; mẹ Lê Thị Mỉa (SN 1930) ở xã Bàu Năng và mẹ Phạm Thị Ánh (SN 1935) ở xã Lộc Ninh.
Huyện Tân Biên có 2 Mẹ VNAH gồm: mẹ Lê Thị Ba (SN 1922) ở xã Trà Vong và mẹ Phan Thị Hợi (SN 1935) ở xã Thạnh Tây.
Huyện Tân Châu có 2 Mẹ VNAH, gồm: mẹ Phạm Thị Năm (SN 1934) ở xã Tân Thành và mẹ Lê Thị Cườm (SN 1937) ở xã Tân Hưng.
Phí Thành Phát