BTN – Ngày nay, nhiều người dù đã nghỉ hưu, tuổi trên dưới 70 nhưng những ký ức về những ngày làm công nhân ở nông trường vẫn còn sâu đậm. Ở đó, họ có niềm vui của tập thể.
Bà Trần Trần Thị Kim, ngụ ấp 3, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu nay tuổi đã suýt soát 70. Và bà Kim cũng đã tròn 20 năm rời xa nông trường, không còn nhọc nhằn với đời công nhân cạo mủ. Ấy vậy, những ký ức về một thuở ở nông trường trong bà vẫn còn nguyên vẹn. Vì bà luôn được kết nối với những bạn đồng nghiệp cũ, để thỉnh thoảng cùng ôn lại chuyện xưa.
Bà Kim với chút hoài niệm với nghề.
Bà Kim là thế hệ thứ hai của gia đình công nhân tại nông trường cao su Bến Củi. Bà nói: “Ba mẹ tôi trước đó đã là công nhân nông trường và nuôi lớn 10 anh em chúng tôi. Đến đời tôi, các anh chị em cũng lại nối nghiệp ba mẹ vào nông trường. Con tôi hiện cũng có đứa đang là công nhân nông trường”.
Theo chia sẻ của bà Kim, lúc đó bà chọn làm công nhân cạo mủ vì việc dù vất vả nhưng không quá nắng nôi, cực nhọc như làm việc trên đồng. 18 tuổi, bà Kim bắt đầu làm công nhân. Có thể nói, cả thời tuổi trẻ của bà gắn với những đường lô cao su bạt ngàn, xanh mướt cho đến ngày về hưu khi tuổi vừa 50. Đôi chân bà đã lướt mòn đường khắp các lô cao su, đến giờ vẫn còn quen thuộc.
Với rừng cao su, bà Kim có nhiều kỷ niệm vì gần như đã gắn bó suốt cuộc đời. Bà làm việc, lập gia đình và nuôi các con cũng nhờ vào nghề cạo mủ cao su. “Nghề nào thì cũng phải làm mới có ăn. Tôi vui khi làm công nhân mình có thể tạo lập được cuộc sống gia đình tốt hơn, nuôi các con ăn học đàng hoàng”- bà Kim nói.
Dù hiện tại, các con bà Kim đa số không còn theo nghề công nhân cạo mủ nhưng nhìn các con có cuộc sống ổn định với bà là niềm hạnh phúc.
Bà nói rằng, đời công nhân cũng lắm thăng trầm theo giá mủ. Lúc mủ có giá thì đời sống công nhân cũng ổn định. Lúc giá mủ thấp thì ảnh hưởng theo. Nhưng trong bà chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề. Bà nói: “Lúc nào khó khăn quá thì tôi tranh thủ thời gian rảnh xới đất gieo mớ rau quả để có thêm thức ăn cho gia đình”.
Sau ngày nghỉ hưu, quen việc, bà Kim cũng lại cần mẫn cạo những cây cao su trên đất nhà. Theo bà, khi được giá cũng được vài triệu một tháng. Bà Kim chỉ bỏ hẳn nghề cạo mủ vài năm trở lại đây thôi. Vì với bà, công việc gắn bó phần lớn quãng đời của mình không phải dễ bỏ, chỉ khi sức khoẻ không cho phép nữa thôi.
Thỉnh thoảng gặp bạn bè, bà Kim kể về những ngày thức khuya dậy sớm từ 3 giờ sáng để vào các lô cạo mủ. Bà nhớ những buổi trò chuyện rôm rả trong giờ giải lao. Hay lâu lâu lại hồi tưởng về những đợt thi nâng cao tay nghề đầy sôi nổi. “Ngày ấy, công nhân thường xuyên được tổ chức thi nâng cao tay nghề. Qua đó, để xét nâng lương cũng tạo phong trào thi đua, làm động lực cho mọi người cùng cố gắng. Tôi nhớ không khí những ngày đó, đầy niềm vui mà không biết tả nên lời”.
Là người từ Bắc vào Nam, bà Trần Thị Miền, 59 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bến Củi cũng bắt đầu với nghề cạo mủ cao su từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Bà Miền nhớ: “Tôi quê Hà Tây, chưa thấy qua cây cao su. Vào đất này, những ngày đầu tôi theo người quen học nghề. Lúc đó, tôi cứ loay hoay với dao cạo, nghe mùi mủ mà muốn ngộp thở”. Những tưởng với những khó khăn đó, bà Miền sớm bỏ cuộc với nghề cạo mủ. Nhưng vì sinh kế cho gia đình, phải nuôi con nên vợ chồng bà cố gắng theo nghề.
Tập cũng quen dần, bà xin vào làm việc tại nông trường cao su Bến Củi. Bà nhớ những tháng đầu tiên được lãnh hơn 20 ký gạo mà vui không tả. Vì cuộc sống, bà luôn chịu khó để làm việc, sau giờ cạo mủ bà đi làm cỏ thuê, mượn đất nông trường để trỉa đậu hay lúa. Dần dà cuộc sống cũng ổn định hơn.
Bà Miền nói rằng không nghĩ ngày vào đây chỉ hai bàn tay trắng phải ở nhờ nhà người quen. Vậy mà, sau những ngày dài kiên trì, bà mua được đất cất nhà, trồng cao su cũng chính nhờ khoảng thời gian làm công nhân nông trường của mình.
Bà Miền vẫn còn làm nghề cạo mủ.
Dẫu vậy, với bà Miền, công nhân cạo mủ cũng nhiều vất vả. Những ngày đầu mới làm việc, bà Miền gặp không ít khó khăn. Có hôm phải chạy đua cùng thời tiết để cạo và trút mủ, nhiều khi phải quên đi cái lạnh thấm da khi vừa mắc xong cơn mưa để làm việc.
Hay có hôm bị vấp xe ngã đổ hết mủ, vừa đau, vừa tiếc công mà không ít lần bà phải rơi nước mắt. Nhưng bù lại, bà nhận được những chia sẻ, động viên của những đồng nghiệp. Chính lời động viên, hỗ trợ qua lại của những người công nhân mà bà tiếp tục gắn bó với công việc, trôi đi cũng đã hàng chục năm.
Chuỗi ngày đó, cũng đem đến cho bà những kỷ niệm khó quên. Bà Miền vẫn nhớ không khí cạo mủ khi trời còn chưa sáng, tiếng người râm ran trò chuyện xuyên qua những đường lô; những buổi trò chuyện, nhìn người chơi thể thao lúc rảnh rỗi trong khi chờ lấy mủ; những hoạt động tập thể dành cho công nhân như thi tay nghề, sinh hoạt 8.3; những chuyến cùng nhau đi tham quan, du lịch…
Bây giờ, bà Miền vẫn còn cạo mủ nhưng bà cạo cho tư nhân và của gia đình. Bà chia sẻ: “Nghề làm riết thành quen, tuy vất vả và ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng tôi vẫn chưa bỏ được. Đi làm đã thành quen, ở nhà sẽ bị ốm mất”.
Những ngày nghỉ hưu, niềm vui của bà Miền là vẫn còn gắn kết tình cảm với nhiều chị em thông qua các hoạt động do Hội LHPN, Hội Người cao tuổi xã tổ chức. Có người ở gần, có người cũng theo gia đình đi xa nhưng thỉnh thoảng gọi điện, gặp lại cũng rất rôm rả chuyện xưa. Họ sẽ cùng bà kể lại những buồn vui ngày đó nhưng giờ chúng chỉ còn là những hoài niệm vui tươi pha lẫn cùng tiếng cười.
Những đồng nghiệp cũ cùng chuyện trò.
Không là công nhân, nhưng bà Mang Thu Thuỷ cũng gần như suốt quãng đời tuổi trẻ gắn bó cùng công nhân nông trường.
Là người dân huyện Gò Dầu, bà Thuỷ cùng chồng đến nông trường cao su Bến Củi làm việc cuối những năm 80. Trải qua nhiều vị trí công việc như nhân viên cửa hàng đời sống của nông trường chuyên bán nhu yếu phẩm gồm gạo, dầu, mì gói, mắm muối cho công nhân. Rồi cửa hàng đời sống giải thể, bà chuyển sang làm nhân viên thống kê, kiểm tra sản lượng. Sau cùng, bà chuyển qua làm tổ trưởng tổ cạo mủ rồi làm việc 4 năm đến ngày nghỉ hưu.
Dù ở vị trí công việc nào, bà Thuỷ cũng tiếp xúc, gắn bó với công nhân nên bà hiểu đời sống của người công nhân. Có những vị trí làm việc bà cũng lặn lội ra lô từ khuya sớm cùng công nhân để làm việc.
Với bà đó là những ngày khó quên vì mọi người có không khí tập thể đầy vui tươi. Bà nói: “Ngày xưa tuy thiếu thốn, khó khăn nhưng mọi người gắn bó, cùng chia sẻ bữa ăn hay chuyện vui buồn. Chúng như là một phần ký ức khó quên của những người từng gắn bó với nông trường như chúng tôi”.
Vi Xuân