BTN – Với tâm huyết của mình, văn nghệ sĩ cao tuổi như ngọn nguồn khơi gợi động lực, sự sáng tạo cho những người trẻ hơn.
Đam mê không cạn
68 tuổi, dáng vẻ gầy gò nhưng nữ hoạ sĩ Bùi Kim Oanh vẫn có sức khoẻ tốt và bà thường xuyên sáng tác. Gắn bó với cọ vẽ, bảng màu đã hơn 30 năm, niềm đam mê hội hoạ của bà vẫn như ngày đầu. Bà Oanh nói rằng với người lớn tuổi thì nhuệ khí cũng sẽ giảm bớt, nhưng vẫn hăng say sáng tạo nghệ thuật. Bà nói: “Tôi bỏ hết những việc mình cho là không quan trọng và giữ lại niềm đam mê. Bởi vì nó đi liền với cuộc sống của tôi”.
Tuổi cao, bà Oanh vẫn muốn được tham gia các chuyến thực tế sáng tác để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. “Người hoạ sĩ phải đi và quan sát thường xuyên. Nếu ở nhà sẽ bị tụt hậu, không bắt kịp nhịp sống và dần cạn kiệt đề tài”.
Trong các chuyến thực tế này, bà Oanh thích được làm việc với những bạn trẻ, vì người tuổi cao và bạn trẻ sẽ bổ sung năng lượng cho nhau. Trong lĩnh vực hội hoạ, bà Oanh muốn mình là người truyền cảm hứng cho các em nhỏ. Bà nhận dạy vẽ cho các cháu tại nhà và tại Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh. Bà chia sẻ: có người từng được bà dạy, giờ đã trở thành hoạ sĩ giỏi và cùng sinh hoạt hội với bà. Đó là niềm vui, tự hào của bà.
Bà Oanh cho biết trong hội hoạ, mỗi vùng miền có nét văn hoá đặc trưng. “Tôi rất thích Toà thánh và dự định vẽ tranh Toà thánh. Trước đây, tôi thích vẽ cảnh lòng hồ. Nhiều cảnh vật quê mình đã thay đổi, tạo được cảm hứng sáng tác”.
Hoạ sĩ Kim Oanh 68 tuổi vẫn đam mê vẽ.
Dành trọn cuộc đời để viết văn
Viết văn không phải nghề kiếm sống nhưng là cái nghiệp suốt đời theo đuổi, đó là chia sẻ của nhà văn Vũ Thiện Khái, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh.
Ở tuổi 82, nhà văn cho rằng mình đã viết chậm hơn, không còn cảm xúc nóng hổi như thời trẻ nhưng bù lại tuổi cao giúp ông có được sự chín chắn và sâu sắc hơn. Đó là nhờ sự từng trải, tích luỹ kinh nghiệm sống qua hơn 80 năm đời người. Chủ đề viết thay đổi theo từng giai đoạn tuổi tác.
Người trẻ sáng tác về người trẻ, người già sáng tác về người già. Và ông cũng không ngoại lệ. Viết theo lứa tuổi để có thể thấu hiểu và viết ra những gì thực tế nhất. “Trải nghiệm cuộc sống lâu sẽ có nguồn tư liệu phong phú.
Với người lớn tuổi, kinh nghiệm sống trở thành triết lý, nhưng lại có tính hiện thực”. Theo ông, để viết văn lâu dài, người viết phải có vốn sống, kiến thức, tố chất và cần cù sáng tác. Vì vậy, người viết văn phải chăm chỉ quan sát, thu nhận hiện thực và nghiền ngẫm nó để sáng tác.
Ở tuổi này, nhà văn Vũ Thiện Khái đã không còn ngồi liên tục hàng giờ trước máy tính. Nhưng ông vẫn viết và làm việc thường xuyên như cách duy trì nguồn cảm hứng, niềm khát khao văn chương của mình. Người viết văn phải thích ứng để tránh sự đào thải từ nghề. Ông nói: “Mình không thể chống lại sự đào thải, nhưng có thể làm nó diễn ra chậm”.
Những người cùng thời, có người gặp khó khăn trước những thay đổi của thời đại, nhưng nhà văn Vũ Thiện Khái luôn cần mẫn học hỏi không ngừng để thích ứng. Ông học công nghệ, sử dụng máy tính thành thạo, trau dồi kiến thức, tranh thủ ghi chép để làm nguồn tư liệu. “Mình phải luôn cập nhật những cái mới, già thì già nhưng vẫn phải đọc, phải học thôi”.
Khoảng 6 năm nay, ông làm biên tập viên mảng văn xuôi cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh. Tạp chí xuất bản 2 tháng 1 kỳ. Mỗi lần làm việc, ông phải đọc và biên tập trên dưới 100 bài viết. Đây là công việc không thuộc chuyên môn, được ông tiếp nhận chỉ sau những khoá tập huấn ngắn hạn cộng với sự am hiểu văn chương, ngữ pháp. Ông nói rằng: “Làm biên tập, mình phải cố gắng giữ cho tờ tạp chí không được tụt hậu”.
Những năm qua, tác phẩm của nhà văn Vũ Thiện Khái được nhận Giải Xuân Hồng, có tác phẩm được Việt Nam News dịch ra tiếng Anh để quảng bá ra nước ngoài, nhiều tập sách được xuất bản… Và còn nhiều giải thưởng, bằng khen ghi nhận sự đóng góp của ông trên văn đàn.
Ở tuổi 82, nhà văn Vũ Thiện Khái vẫn miệt mài làm việc.
Cảm nhận cuộc sống qua ảnh nghệ thuật
Từ một người không biết gì về nhiếp ảnh, ông Nguyễn Viết Tiến trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh khi tuổi gần 60. Năm nay đã vào tuổi 70, sức khoẻ có phần giảm sút, những chuyến thực tế sáng tác xa nhà với ông không còn thường xuyên nữa.
Nhưng mạch sáng tác của ông Tiến chưa hề đứt quãng vì cảm hứng chủ đề ảnh của ông là hiện thực cuộc sống. Với ông, cuộc sống đời thường luôn có nét đẹp, sức hút riêng, nó là nguồn chủ đề vô tận vì cuộc sống thay đổi mỗi ngày.
Trong “thời hoàng kim” của mình chỉ cách đây chưa tới chục năm, ông Tiến có thể cùng bạn bè vượt hàng trăm cây số bằng xe máy đến miền Trung, Tây Nguyên, ra Bắc hay ngược về miền Tây để sáng tác ảnh. Động lực xuất phát từ niềm đam mê với nhiếp ảnh.
Ông Tiến đến với nhiếp ảnh sau ngày nghỉ hưu. Năm 2009, ông vào CLB nhiếp ảnh, bắt đầu mày mò học thêm kỹ thuật nhiếp ảnh, được các con ủng hộ, mua sắm trang thiết bị để ông đi sáng tác. Năm 2010, ông Tiến được kết nạp vào Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh.
Đến năm 2013, ông đoạt giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh của tỉnh, huy chương đồng cấp khu vực Đông Nam bộ. Những năm sau đó, ông đạt thêm những giải thưởng, tham gia triển lãm cấp quốc gia. Hằng năm, ông đều có tác phẩm tham gia các cuộc thi, triển lãm cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Viết Tiến sáng tác ảnh.
Những giải thưởng như là một sự động viên, khích lệ tinh thần ông. Và đến giờ, sau gần 15 năm tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, ông vẫn nuôi dưỡng cho mình nguồn cảm hứng sáng tác. Ông không ngại vấn đề tuổi tác vì lứa tuổi nào cũng có cái khó và lợi thế riêng. Với kinh nghiệm sống,
thời gian sáng tác, ông vẫn thích được học thêm kỹ thuật, kinh nghiệm mới, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ. Những buổi tập huấn, trại sáng tác do Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức, ông đều đặn tham gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng sáng tác ảnh.
Vi Xuân