HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
BAN THƯỜNG VỤ TW HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 378 /NCT
|
Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHÂN QUỸ
HỘI NGƯỜI CAO TUỔI
Thực hiện chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam khoá IV; Văn bản số 196/2012/HD-NCT ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khoá IV hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn về Quản lý và sử dụng Chân quỹ Hội Người cao tuổi (sau đây gọi tắt là Chân quỹ) như sau:
I/ NGUYÊN TẮC HÌNH THÀNH, QUẢN LÝ CHÂN QUỸ
- 1. Nguyên tắc hình thành và hoạt động của Chân quỹ
- a) Chân quỹ được thành lập ở các Chi hội Người cao tuổi (sau đây gọi tắt là Chi hội) hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải các chi phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- b) Chân quỹ được hình thành từ vốn đóng góp bằng tiền của người cao tuổi khi gia nhập Hội Người cao tuổi ở Chi hội; của tổ chức, cá nhân(có thể không là hội viên) tài trợ hoặc cho mượn không tính lãi cho hoạt động của Chi hội. Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo khi gia nhập Hội Người cao tuổi được miễn hoặc tạm hoãn chưa đóng góp (khi có điều kiện thì động viên đóng góp).
- c) Hội viên của Chi hội (sau đây gọi tắt là hội viên) chuyển sinh hoạt đến nơi khác hoặc hội viên khi qua đời được trả lại số tiền gốc đã đóng góp vào Chân quỹ.
- d) Đối với tổ chức, cá nhân cho mượn sẽ được trả theo yêu cầu về thời gian đã thoả thuận, không tính lãi.
- e) Chân quỹ hoạt động theo quy chế đã được Hội nghị Chi hội thông qua.
- Nguyên tắc quản lý Chân quỹ
- a) Thực hiện thu, chi, quyết toán theo qui định của quy chế về hoạt động Chân quỹ. Năm tài chính của Chân quỹ được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm.
- b) Công khai tình hình đóng góp, huy động, quản lý, sử dụng và báo cáo thực hiện công khai tài chính 6 tháng, năm tại Chi hội.
- c) Không lợi dụng hoạt động của Chân quỹ để thu lợi cho cá nhân và hoạt động trái các qui định của quy chế và pháp luật.
- d) Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cấp xã chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra: đóng góp, quản lý, sử dụng Chân quỹ hàng năm ở các Chi hội.
II/ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CHÂN QUỸ
- Nguồn vốn của Chân quỹ
- a) Nguồn vốn của Chân quỹ gồm
– Vốn đóng góp bằng tiền của người cao tuổi khi gia nhập Hội Người cao tuổi;
– Nguồn của các tổ chức, cá nhân (có thể không là hội viên) cho Chi hội mượn không tính lãi hoặc tài trợ cho hoạt động của Chi hội;
– Các khoản sinh lời từ sử dụng nguồn vốn của Chân quỹ;
– Nguồn vốn hợp pháp khác.
- b) Sử dụng nguồn vốn của Chân quỹ
Nguồn vốn của Chân quỹ được sử dụng để:
– Làm quỹ tín dụng quay vòng cho hội viên, con cháu hội viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
– Đầu tư làm dịch vụ văn hoá, xã hội v.v…tăng nguồn thu cho Chân quỹ;
– Gửi tiết kiệm lấy lãi.
Danh mục và mức đầu tư, làm dịch vụ; đối tượng cho vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay đến hộ; số tiền gửi tiết kiệm lấy lãi do Nghị quyết hội nghị Chi hội quy định.
- Nguồn thu của Chân quỹ
- a) Thu từ lãi suất cho vay;
- b) Thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo Nghị quyết của Chi hội không trái với qui định của pháp luật;
- c) Thu từ lãi suất tiền gửi tiết kiệm;
- d) Các khoản thu hợp pháp khác.
- Sử dụng nguồn thu của Chân quỹ
Nguồn thu của Chân quỹ được sử dụng vào các hoạt động sau:
- a) Hoạt động tình nghĩa, chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc vật chất, tinh thần hội viên;
- b) Hoạt động văn hoá- thể dục, thể thao, tham quan, du lịch.v.v…;
- c) Hoạt động quản lý Chân quỹ.
Mức chi cho từng hoạt động do Nghị quyết hội nghị Chi hội quyết định.
- Chi phí quản lý Chân quỹ
- a) Nội dung chi
– Thù lao cho người trực tiếp làm công tác quản lý Chân quỹ;
– Mua văn phòng phẩm, trang thiết bị phục vụ các hoạt động quản lý Chân quỹ;
– Hội nghị, các cuộc họp của Chi hội bàn về Chân quỹ;
– Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của Chân quỹ.
- b) Định mức chi
Hội nghị Chi hội(số hội viên dự hội nghị không dưới 70% tổng số hội viên Chi hội) ban hành nghị quyết quy định tỷ lệ phần trăm (%) từ sinh lời của các hoạt động nêu tại mục 2 phần II nêu trên chi cho công tác quản lý Chân quỹ.
- Quản lý tài chính Chân quỹ
- a) Công tác kế toán, thống kê theo đúng qui định của quy chế về hoạt động của Chân quỹ.
- b) Mở sổ kế toán ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ tài chính đã phát sinh liên quan đến Chân quỹ (theo dõi chi tiết sổ thu, chi tiền) do hội viên đóng góp; tổ chức, cá nhân tài trợ hoặc cho mượn không lãi suất.
- c) Chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thu, chi, quản lý, sử dụng Chân quỹ của Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cấp xã và sự giám sát của hội viên.
- d) Ban Điều hành Chân quỹ gồm Trưởng ban, kế toán, thủ quỹ do Chi hội quyết định và được sự phê chuẩn của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cấp xã. Ban Điều hành phải chấp hành các quy định về quản lý nguồn vốn, quản lý và sử dụng nguồn thu, các định mức chi tiêu của Chân quỹ theo đúng quy định của Nghị quyết hội nghị Chi hội. Công khai tình hình tài chính Chân quỹ hàng quý, năm về:
– Danh sách, số tiền đóng góp của hội viên;
– Danh sách số tiền cho vay, số tiền gửi tiết kiệm, số tiền đầu tư, số tiền làm dịch vụ…; số tiền đã chi thăm hỏi ốm đau, bệnh tật, phúng viếng, hoạt động chăm sóc sức khoẻ, thể thao, tham quan, du lịch..…
– Danh sách, số tiền sinh lời từ cho vay, gửi tiết kiệm, làm dịch vụ…;
– Báo cáo quyết toán tài chính hằng năm theo nội dung thu, chi.
- Kế toán, thủ quỹ của Chân quỹ
- a) Kế toán Chân quỹ là hội viên của Chi hội, không có tiền án, tiền sự; không bị kỷ luật vì tham ô. Phân công, thay đổi người làm kế toán do Chi hội quyết định và được sự phê chuẩn của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cấp xã.
- b) Thủ quỹ Chân quỹ là hội viên của Chi hội, không có tiền án, tiền sự; không bị kỷ luật vì tham ô. Phân công, thay đổi người làm thủ quỹ do Chi hội quyết định và được sự phê chuẩn của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cấp xã.
- c) Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Chân quỹ hoặc kế toán, thủ quỹ thôi việc:
– Kế toán phải hoàn thành quyết toán và vẫn phải chịu trách nhiệm về các số liệu, báo cáo kế toán trong giai đoạn mình phụ trách đến khi bàn giao xong công việc cho người khác.
– Thủ quỹ phải hoàn thành việc kiểm kê, bàn giao tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm, tiền cho vay, giấy tờ có liên quan cho người kế nhiệm.
III/ XỬ LÝ TIỀN, TÀI SẢN KHI SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ CHÂN QUỸ
- Trường hợp Chân quỹ được Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cấp xã cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của Chân quỹ phải được tiến hành kiểm kê kịp thời, chính xác; tuyệt đối không phân chia tiền, tài sản trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.
- a) Tiền và tài sản của Chân quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất phải bằng tổng số tiền và tài sản trước khi sáp nhập, hợp nhất của các Chân quỹ cũ.
- b) Tổng số tiền và tài sản của các Chân quỹ mới được chia, tách phải bằng toàn bộ số tiền và tài sản của Chân quỹ cũ trước khi chia, tách.
- Trường hợp Chân quỹ bị giải thể
- a) Khi Chân quỹ bị giải thể, toàn bộ số tiền hiện có của nguồn vốn và nguồn thu được sử dụng vào việc hoàn trả tiền gốc cho hội viên. Thanh toán các khoản nợ.
- b) Sau khi hoàn trả tiền gốc cho hội viên và thanh toán các khoản nợ, số tiền và tài sản còn lại chia đều cho các hội viên đang sinh hoạt trong Chi hội.
Nơi nhận: – Chủ tịch, các PCT (để biết); – Các Ban, Văn phòng, đơn vị; – HNCT các tỉnh, TP; – Lưu VT, Quỹ. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Đàm Hữu Đắc |