Theo các chuyên gia, già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu và có tác động tới tất cả các quốc gia, tất cả mọi người; tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội; làm thay đổi các sinh sống, lao động, học tập của con người. Nếu không có những giải pháp, chiến lược thì không thể tận dụng được cơ hội và hứng chịu các hậu quả nặng nề… Năm 2022, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 73 tuổi, có 33 quốc gia tuổi thọ trung bình trên 80. Dự báo năm 2045-2050 tuổi thọ trung bình sẽ là 83 tuổi ở các nước phát triển, 74 tuổi ở các nước đang phát triển. Số người thọ trên 100 tuổi từ 316.000 năm 2011 lên 3,2 triệu người năm 2050.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, tuy nhiên tuổi thọ khỏe mạnh còn thấp, chỉ 64 tuổi. Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh; chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, xương khớp… cần điều trị suốt đời. Chi phí điều trị cho NCT thường cao gấp 8 đến 10 lần so với người trẻ, trong khi lợi ích bảo hiểm của NCT giống các nhóm đối tượng khác.
Hiện cả nước chỉ có 1 bệnh viện lão khoa đầu ngành chăm sóc NCT là Bệnh viện Lão khoa Trung ương; chỉ có khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa Lão khoa, chủ yếu tập trung ở các địa phương có dân số đông. Có 85% NCT vẫn đang có thể tự chăm sóc cho bản thân, thậm chí đóng vai trò lớn trong các công việc tại gia đình, cộng đồng. NCT khó khăn trong tự chăm sóc chỉ chiếm 15% và chỉ có 1% NCT dựa hoàn toàn vào chăm sóc từ bên ngoài. 50,4% NCT từ 60-69 tuổi và 19,4% NCT từ 70-79 tuổi vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập… Các chuyên gia đưa ra lời khuyên đối với NCT là cần chế độ dinh dưỡng hợp lí, thức ăn đa dạng, giàu chất xơ, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, chọn mô thể thao phù hợp để duy trì phong cách sống năng động…
Tăng tuổi thọ là một trong những thành tựu lớn nhất của loài người, nhưng nhận thức và hành vi của người dân chưa thích ứng với xã hội già hóa, chưa phát huy được lợi thế của NCT, hệ thống an sinh xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của NCT…