BTN – Trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập cho dân tộc, không chỉ thanh niên trong nước, thanh niên người Việt Nam tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng tham gia, vì “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào”.
Ông Quynh cùng người bạn đời
Tháng 8.1975, bốn tháng sau ngày “toàn thắng về ta”, trong bài thơ “Vui thế hôm nay”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ba mươi năm trường kỳ kháng chiến/ Ta đã đi. Và ta đã đến/Thật đây rồi, hạnh phúc cầm tay/ Độc lập tự do, từ nay vĩnh viễn… Ta đã thắng/ Hãy thẳng đường đi tới/ Lấp những hố bom, xoá mọi đau buồn/ Từ tro bụi, ta lại xây dựng mới/ Phố làng ta, và cả những linh hồn”. Trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập cho dân tộc, không chỉ thanh niên trong nước, thanh niên người Việt Nam tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng tham gia, vì “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào”.
Trải qua những năm tháng “khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo”, họ đã sống một cuộc đời đáng sống. Có những hy sinh, không phải lúc nào cũng có thể nói thành lời.
Không được quên nguồn cội
Buổi trưa mùa khô, nắng như đổ lửa. Trong ngôi nhà giản dị, không gian thoáng đãng, ông Phạm Văn Quynh, sinh năm 1947, nguyên Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Biên hồi tưởng về cuộc đời mình.
Quê gốc ông ở miền Bắc nhưng sinh ra và lớn lên tại Campuchia, bố mẹ ông Quynh vốn là thợ thuyền (danh từ chung thường dùng chỉ giai cấp công nhân) làm trong đồn điền cao su của Pháp bên đất nước xứ Chùa Tháp. Sinh con ở nước ngoài nhưng bố mẹ ông luôn giáo dục con cái không được quên nguồn cội, dòng máu Việt Nam.
Đến tuổi đi học, ông Quynh và nhiều bạn bè không được học tiếng Việt, chỉ học tiếng Pháp và tiếng Khmer. Để không quên tiếng Việt, ông cùng bạn bè vào học trong một cơ sở giáo dục của tôn giáo, nơi có dạy tiếng Việt. Từ chỗ học tiếng Việt, ông cùng nhiều bạn bè mới biết, hiểu về lịch sử dân tộc. “Ở đâu cũng có người thế này thế kia, nơi tôi sinh ra cũng vậy, có lúc bị phân biệt, kỳ thị.
Từ những điều mắt thấy tai nghe, lứa chúng tôi thời đó bảo nhau, mình là thanh niên, lớn rồi, phải làm một cái gì đó để chứng minh rằng, người Việt Nam không lạc hậu, không bạc nhược như ai đó nói. Từ đó, chúng tôi gắn bó với phong trào yêu nước, hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Ông nói tiếp, lúc bấy giờ, ở Campuchia có một số tờ báo tiến bộ cất tiếng nói ủng hộ tuyệt đối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Thời kỳ này, bà con Việt kiều tại Campuchia thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng, gồm: quyên góp, ủng hộ vật chất cho cuộc kháng chiến; vận động con em về miền Nam tham gia kháng chiến; vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc giữa bà con Việt kiều, giữa Việt kiều với đồng bào Campuchia.
“Ở đâu phong trào tốt, vận động tốt, ở đó tình đoàn kết được củng cố. Năm 1965, tôi cùng bạn bè tham gia gầy dựng phong trào của học sinh, sinh viên, qua đó giáo dục truyền thống của dân tộc. Khi không còn đi học, tôi về làm thợ thuyền và tiếp tục vận động xây dựng phong trào Việt kiều tại đồn điền cao su”- ông Quynh cho biết.
Những năm tháng đó, ông Quynh được cấp trên giao vận động thanh niên về miền Nam chiến đấu. “Lúc bấy giờ, cấp trên chủ trương, ai vận động được nhiều thanh niên về nước tham gia kháng chiến thì chính người đứng ra vận động có cơ hội được về miền Nam đánh giặc. Vì thế, tôi cùng một số anh em tích cực hoạt động với một tấm lòng vô tư, trong sáng. Nhưng để duy trì được phong trào, bắt buộc phải có tổ chức, cơ sở tại chỗ. Vì thế, năm 1970, tôi được cử làm bí thư của đồn điều cao su có tên gọi Bến Két”.
Từ thời điểm này, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của ông Quynh nặng nề hơn vì đứng đầu một tổ chức của Đảng ta ở nước bạn.
Ông Phạm Văn Quynh trong cuộc sống đời thường.
Mất mát lớn lao
“Nói về cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có nhiều điều để nói và cũng không sao nói hết được”- ông Quynh trầm ngâm. Nhưng điều thường hiện về trong ký ức, trí nhớ của ông, đó là “sự hy sinh của đồng bào ta, đặc biệt sự kiện Mậu Thân 1968”. Sau năm 1968, theo ước tính của ông Quynh, tại Campuchia, đồn điền cao su Bến Két có khoảng 80% thanh niên về miền Nam chiến đấu, phần lớn lực lượng này gia nhập Đoàn 180- Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam.
“Không một đại lượng toán học hay vật lý nào đo đếm hết đau thương, mất mát của cuộc kháng chiến. Nhưng cũng thật tâm rằng, chúng tôi vô cùng tự hào về những tháng năm đó. Anh em, bạn bè tôi khi về miền Nam chiến đấu chỉ với một ước vọng: đánh đuổi quân thù, thống nhất đất nước, không so bì thiệt hơn”- ông Quynh xúc động.
Xin mạnh dạn hỏi ông một câu: ông có điều gì nuối tiếc về những năm tháng tuổi trẻ không? Ông Quynh chia sẻ: “Để tôi nói điều này, đồn điền cao su Bến Két, sau khi ném bom khắp nơi, những quả bom còn lại trên máy bay, quân đội Mỹ đem về ném hết vào đó, giống như “điểm tập kết những quả bom còn sót lại trên máy bay” vậy. Đáng nói, mặc dù bom ném xuống đó rất nhiều nhưng bà con ta ở đó rất ít người hy sinh vì có bộ đội hướng dẫn cách tránh bom”.
Thật không may, trong khi hàng xóm tránh được thương vong, gia đình ông Quynh lại là một trong số ít trường hợp bị bom Mỹ ném trúng. “Trận bom hôm đó, tôi không nhớ tháng mấy nhưng chắc chắn là năm 1971, bom rơi trúng vào nơi gia đình tôi đang ẩn trú làm vợ cùng năm người em của tôi chết tại chỗ. Gia đình nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, một hàng xóm của tôi, thật may mắn, không ai bị gì.
Anh Phạm Minh Tuấn động viên tôi, ‘nhà chú mày mất mát lớn quá’; tôi nói với anh Tuấn, chiến tranh là như vậy, ta cần biến nỗi đau vô cùng thành sức mạnh vô biên”. Mất năm người em, ông Quynh còn sáu anh em ruột, trong đó có ba người lên đường đi bộ đội (kết thúc chiến tranh, những người em của ông Quynh tiếp tục học tập, công tác trong ngành Y tế, Toà án và Công an ở TP. Hồ Chí Minh).
“Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều”
Ngày 30.4, ông đang ở đâu và làm gì? Ông Quynh cho hay, lúc đó đang công tác tại một khu vực tả ngạn sông Mekong. Ông nhớ lại, khi nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, ông và nhiều người khác chung một cảm xúc “vui sao nước mắt lại trào”.
Trong những tháng ngày “những buổi vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”, có những câu chuyện riêng tư thật đẹp. Người vợ hiện tại của ông Quynh chính là vợ của người bạn chiến đấu với ông. Ông Quynh kể, buổi sáng hôm ấy, cùng đi với nhiều đồng chí nữa, trước khi vào trận đánh, người bạn thân của ông, Đại đội trưởng Mai Văn Hùng, có vẻ như linh cảm được điều gì sắp đến nên đã gửi lại toàn bộ hồ sơ, thông tin gia đình mình nhờ ông Quynh cất giữ.
Mai Văn Hùng hy sinh trong trận đánh. Sau này, như cơ trời tác hợp, một người mất vợ, một người mất chồng trong chiến tranh, họ lại gặp nhau ở Việt Nam (công tác chung ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu). “Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều”, họ nên duyên vợ chồng.
Đã gần 50 năm sau chiến tranh, trải qua nỗi đau mất nhiều người thân trong gia đình, ở tuổi gần 80, trong đời thường ông nghĩ gì về cuộc đời mình, về những tháng năm đã qua? Ông Quynh trả lời: “Thế hệ chúng tôi tự hào vì đã đóng góp công sức, tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến, cho công cuộc xây dựng đất nước. Tôi nghỉ hưu đã lâu nhưng luôn giáo dục con cháu không quên những tháng ngày gian khổ, hy sinh của dân tộc.
Nhà tôi mất 6 người trong một trận bom, tôi thấu hiểu sự đau thương, khốc liệt của chiến tranh. Công cuộc đổi mới ngày hôm nay, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta không quên quá khứ nhưng vì đại cuộc, chúng ta tạm gác qua một bên.
Chúng ta quan hệ với tất cả các nước, kể cả các cường quốc từng là cựu thù thì nay đã là đối tác chiến lược. Tôi mong muốn, công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần có sự tham gia của toàn dân một cách tích cực, hiệu quả hơn”.
Việt Đông-Hoàng Yến