Nhu cầu người già và thực trạng đáp ứng 

Thạc sĩ – bác sĩ Mai Xuân Phương (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số – Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Tuy nhiên, Việt Nam thuộc tốp 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đến năm 2021, cả nước có 11,41 triệu NCT, chiếm khoảng 12% dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 là 73,6 tuổi, đứng thứ 5 trong các nước khu vực Đông Nam Á nhờ đời sống kinh tế – xã hội và hệ thống y tế phát triển.

Dù vậy, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, trung bình một NCT Việt Nam mắc ba bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT lại chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.

Theo chuyên khảo “NCT Việt Nam: Phân tích từ điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021” (Tổng cục Thống kê), xu hướng già hóa dân số tiếp tục diễn ra với tốc độ cao ở Việt Nam, sức khỏe và nhu cầu chăm sóc của NCT không đồng nhất mà có sự khác biệt lớn về độ tuổi, giới tính, khu vực sống và dân tộc.

Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có những kế hoạch, chính sách và chương trình thích ứng với già hóa dân số nói chung và đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của NCT nói riêng.

Đầu năm 2022, Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM) đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức lễ ra mắt Mạng lưới phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT tại Việt Nam.

Tại lễ ra mắt, bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam – phát biểu: “Mạng lưới phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT được hình thành nhằm góp phần phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT đa dạng về loại hình, quy mô, lĩnh vực hoạt động, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng và chưa được đáp ứng của dân số cao tuổi, thúc đẩy liên kết kinh doanh và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mạng lưới cũng sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng để làm việc trong ngành dịch vụ dành cho NCT”.

Báo cáo “Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc NCT tại Việt Nam” do đại diện VCCI-HCM trình bày tại diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho NCT tại Việt Nam vào cuối năm 2021, với những phát hiện cho thấy một thị trường đầy hứa hẹn với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” vào năm 2035.

NCT là tài sản quan trọng của quốc gia, cung cấp nguồn nhân lực, trí tuệ và kinh nghiệm vô cùng quý giá. NCT cũng là động lực cốt yếu của một thị trường mới nổi, có thể tạo ra doanh số, thu nhập và việc làm cho xã hội.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Theo khảo sát của VCCI, các nhu cầu lớn nhất của NCT là: 1) Vận động, thể dục, thể thao; 2) Có bạn bè, tâm tình, giảm cảm giác cô độc; 3) Được cung cấp đủ dinh dưỡng theo chế độ phù hợp với cơ thể; 4) Tiếp tục làm việc, được cống hiến, giúp đỡ người khác, sống có ý nghĩa; 5) Được hỗ trợ để tự chăm sóc bản thân, giảm cảm giác làm phiền, bị phụ thuộc…

Mặc dù hiện nay cung ứng ở đô thị đã cao hơn nông thôn nhưng rõ ràng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của NCT đặt ra tính cấp thiết phải có những chính sách, giải pháp về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao chất lượng sống của NCT một cách toàn diện.

Tuổi trăm vẫn minh mẫn, tự chăm sóc bản thân 

Sinh năm 1922, cụ Bùi Thị Nụ (P.13, Q.4, TPHCM) là một trong 281 công dân 100 tuổi tại TPHCM vào năm 2022 được Chủ tịch nước chúc thọ.

Chồng cụ Nụ trước đây cũng thọ đến tuổi trăm. Cụ không có con, hiện tại có một người cháu là bà Lê Minh Hội hằng ngày chăm sóc. Tuổi cao, cụ Nụ vẫn rất minh mẫn nhưng lãng tai nên ít nhiều trở ngại trong giao tiếp. Mắt mờ, tai yếu, cụ không xem ti vi, đọc sách báo được. Người viết bài la lớn mãi, cụ mới nghe được câu hỏi và trả lời: “Giấy tờ tôi là 100 tuổi nhưng tuổi thực tôi còn lớn hơn vài tuổi. Tôi tuổi Hợi, gốc Bắc”.

Hỏi về lối ăn uống, sinh hoạt của cụ Nụ, bà Hội chia sẻ: “Lúc còn trẻ, cụ Nụ buôn bán giỏi lắm, tính tình rất hoạt bát, hay đi chùa. Ở tuổi ngoài trăm, cụ vẫn ít bệnh nền, tự múc ăn, tự rửa chén, vệ sinh cá nhân. Nằm ngồi ở đâu, cụ cũng siêng năng tập thể dục, quơ tay quơ chân, đạp xe…

Đó cũng là niềm vui của cụ bên cạnh niệm Phật. Mỗi sáng ngủ dậy, cụ uống liền hai ly nước ấm và cho rằng làm như thế để lọc máu, lọc cặn bã trong người. Cụ tắm gội bằng nước ấm, không dùng xà phòng. Cụ ăn nhiều rau củ quả, ít thịt, không ăn cá. Cụ chia thành nhiều bữa ăn, mỗi lần ăn một ít. Hằng ngày có bổ sung viên bổ mắt, bổ xương. Tôi cũng học cách sinh hoạt, ăn uống, tập luyện của cụ để giữ sức khỏe của mình”.

Cụ Bùi Thị Nụ (trái) gọi cháu lại để nhắc chuyện xưa
Cụ Bùi Thị Nụ (trái) gọi cháu lại để nhắc chuyện xưa