BTN – Hầu hết những bậc cao niên này đều có đặc điểm chung là ăn chay trường hoặc mỗi tháng 10 ngày.
103 tuổi vẫn tập thể dục hai lần trong ngày
Sinh năm 1920, tuổi đã hơn bách niên nhưng sức khoẻ của cụ ông Lưu Tấn Lộc (ngụ khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) vẫn còn rất tốt. Quê ở tỉnh Cà Mau, năm 1947, ông về Tây Ninh sinh sống.
Đến năm 20 tuổi, ông học ngành Y và theo đạo Cao Đài. Năm 1974, ông Lưu Tấn Lộc giữ phẩm Giáo hữu và ăn chay trường kể từ đó. Hàng chục năm qua, ông Lộc giữ chức Thượng thống Y viện, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Trụ sở của Y viện toạ lạc trong nội ô Toà thánh nên sáng nào ông cũng đi bộ tập thể dục trong khuôn viên nội ô.
Hai năm gần đây, do tuổi đã cao, ông bị lảng tai, trí nhớ giảm sút nên xin về nhà nghỉ ngơi. Ông vẫn giữ chế độ ăn chay trường và mua một máy chạy bộ tập thể dục tại nhà. Mỗi ngày, ông dành 15-20 phút trong buổi sáng và chiều để đi bộ trên máy.
Năm nay đã 103 tuổi, ông Lưu Tấn Lộc vẫn tập thể dục 2 lần/ngày.
Cụ ông Lưu Tấn Lộc cho biết, buổi sáng ông ăn một chén cháo gạo lứt với khổ qua kho; trưa, chiều, mỗi lần ăn nửa chén cơm với đậu đũa hoặc đậu ve xào, tương hột, canh chua và ăn giặm thêm tàu hủ chấm muối tiêu.
Về sức khoẻ, mỗi năm ông đến bệnh viện khám tổng quát một lần, ngoài việc bị lảng tai, đến nay chưa phát hiện bệnh gì. Vợ chồng ông Lộc có 10 người con, đã mất 2 người, 8 người còn lại đều ăn chay mỗi tháng 10 ngày.
102 tuổi tự nấu cơm, quét dọn nhà cửa
Ở thành phố Tây Ninh hiện có 14 người sống thọ 100 tuổi trở lên, trong đó có bà Võ Thị Phơ, năm nay 102 tuổi nhưng hằng ngày, bà vẫn tự mình tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Bà Phơ cho biết, quê mình ở Quảng Ngãi, năm 1965, bà cùng gia đình vào Tây Ninh sinh sống.
Từ đó đến nay, bà theo đạo Cao Đài và ăn chay mỗi tháng 10 ngày. Cụ bà cho hay, từ khi ăn chay đến nay cảm nhận sức khoẻ của mình rất tốt, chỉ bị lảng tai và thỉnh thoảng đau lặt vặt: “Khi trái gió trở trời, tôi chỉ bị bệnh cảm và đau khớp gối. Tôi uống thuốc rồi tự hết bệnh chứ không phải bệnh nặng đến nỗi đến bệnh viện chữa trị”- bà Phơ nói.
Đã ngoài 100 tuổi, hằng ngày, bà Võ Thị Phơ vẫn tự mình tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa.
Vợ chồng bà có 3 người con trai. Anh Nguyễn Văn Nghiên- giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Tây Ninh), con trai thứ 3 của vợ chồng bà Phơ tiếp lời: “Cha của tôi qua đời gần 10 năm, hiện vợ chồng chúng tôi chung sống với mẹ.
Từ khi mẹ tôi ăn chay mỗi tháng 10 ngày, sức khoẻ của bà vẫn bình thường. Hằng ngày, vợ chồng tôi đi đến cơ quan, bà ở nhà một mình, những lúc rảnh rỗi thì sang các nhà lân cận chuyện trò, bầu bạn với bà con hàng xóm”.
Hơn 50 năm ăn chay trường, sức khoẻ của ông Nguyễn Thanh Quang vẫn rất tốt.
Gần 100 tuổi vẫn thường xuyên đạp xe đi thăm con cháu
Ông Nguyễn Thanh Quang sinh năm 1924, nếu tính theo “tuổi mụ” (tuổi âm lịch), năm nay ông đã tròn 100.
Đến thăm ông tại nhà riêng ở khu phố 3, phường IV, TP. Tây Ninh vào sáng 14.2, ông ở nhà một mình xem ti vi. Ông bị lảng tai khá nặng nên chúng tôi không hỏi han được nhiều. Qua chuyện trò, ông khoe có 6 người con, con trai út đang công tác ở UBND phường Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành).
Anh Nguyễn Thế Nhơn- con trai út của ông Quang cho biết, quê cha ở tỉnh Long An, ông học ngành Y, từng công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy và mở tiệm thuốc ở tỉnh Long An. Sau đó, gia đình về Tây Ninh sinh sống.
Gia đình theo đạo Cao Đài, cha anh ăn chay mỗi tháng 10 ngày. Năm 46 tuổi, ông bảo ngán ăn thịt, cá và chuyển sang ăn chay từ đó đến nay. “Lúc má tôi còn sống, bà cũng ăn chay trường”- anh Nhơn bộc bạch.
Ông Quang sống với gia đình người con gái thứ 5. Ông Quang nấu ăn rất ngon và ông chỉ thích ăn những món tự tay mình nấu. Con gái có sạp bán rau, củ, quả ngoài đầu hẻm nên hằng ngày, ông ra sạp rau của con, chọn lựa rau củ quả mình thích đem về nhà tự nấu ăn.
Hơn 50 năm ăn chay trường nhưng sức khoẻ của ông Quang rất tốt. Ông không bị những căn bệnh thông thường của tuổi già như tiểu đường, cao huyết áp, tim. “Năm ba tôi 90 tuổi, mắt trái của ông bị mờ.
Gia đình đưa đến bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Một thời gian, mắt phải của ông lại mờ và tiếp tục phẫu thuật. Đến nay, cả 2 mắt đều phục hồi thị lực, ông không mang kính vẫn nhìn rất rõ những chi tiết nhỏ”- anh Nhơn nói thêm.
Đến nay, ông Quang vẫn tự chăm sóc bản thân chứ không nhờ đến con cháu. Ông thường xuyên đạp xe đi hớt tóc, có khi ông còn đi xe đạp ra đến xã Thanh Điền, huyện Châu Thành thăm người thân. Hằng ngày, ông vẫn quét nhà, tưới hoa kiểng, giặt mùng mền. Thậm chí ông còn dùng máy may tự khâu vá quần áo của mình.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Bích Thuỷ- Trưởng khoa Khám bệnh phụ trách dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện quốc tế Minh Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, ăn chay là kiêng ăn thịt, đôi khi kiêng các sản phẩm phụ của quá trình giết mổ.
Người ăn chay theo chế độ ăn kiêng gồm ngũ cốc, các loại đậu, hạt, rau, trái cây, nấm, tảo, men hoặc một số thực phẩm có nguồn gốc động vật như sữa, mật ong, trứng.
Các nghiên cứu cho thấy người ăn chay cũng nạp vào cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, vitamin C, vitamin E và magie nên nó thúc đẩy quá trình giảm cân, giảm nguy cơ ung thư, ổn định đường huyết, tăng cường sức khoẻ tim mạch…
Tuy nhiên, ăn chay làm tăng nguy cơ thiếu một số dinh dưỡng nhất định, như thiếu hụt protein, canxi, sắt, iốt và vitamin B12. Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong các vi chất dinh dưỡng quan trọng này có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, cảm thấy yếu, thiếu máu, mất xương và các vấn đề về tuyến giáp. Vì vậy, những người ăn chay phải lựa chọn cẩn thận về những gì họ ăn, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng.
Đại Dương