SKĐS – Nước ta đang già hóa dân số nên số người cao tuổi ngày càng tăng. Để sống khỏe, vui vẻ và tăng tuổi thọ cũng như có kỹ năng tự chăm sóc, dự phòng rủi ro bệnh tật, người cao tuổi nên duy trì thực hiện 5 yếu tố sau.
Ra ngoài và tập thể dục, chơi thể thao
Tâm lý của người cao tuổi thường hay khó tính, dễ rơi vào cảm giác buồn bã, cô đơn sau khi nghỉ hưu hay thiếu sự chia sẻ, cách biệt với thế hệ con cháu. Phần lớn người cao tuổi ít vận động, khiến cơ thể thích nghi kém hơn với sự thay đổi của môi trường sống. Khi thời tiết chuyển mùa cũng dễ mắc bệnh vặt.
Do đó, khuyến khích người cao tuổi tập thể dục nhẹ nhàng, chơi thể thao phù hợp với sức khoẻ như dưỡng sinh, yoga, thiền, khiêu vũ dưỡng sinh… giúp cải thiện sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai để phòng chống bệnh tật.
Khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu cùng bạn tập bạn chơi sẽ giúp người cao tuổi khuây khỏa, giảm stress, được chia sẻ cùng bạn bè từ đó sẽ không còn cảm giác cô đơn hay buồn bã.
Trong trường hợp không tham gia tập thể dục, người cao tuổi cũng nên đi ra ngoài giao lưu, vận động và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhằm kích hoạt các tế bào trong da sản xuất vitamin D, một tiền nội tiết tố rất cần thiết cho sức khỏe của xương và ảnh hưởng khá quan trọng đối với các bệnh trầm cảm, bệnh tim, đái tháo đường…
Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống của người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho người già. Một số vấn đề người cao tuổi nên áp dụng trong bữa ăn của mình đó là: Không nên ăn quá no, các bữa ăn nên được chia nhỏ ra thành 5, 6 bữa trong ngày, các món ăn nên được thay đổi cách thức để tạo cảm giác thèm ăm.
Đối với chế độ dinh dưỡng nên áp dụng khẩu phần ăn giàu thực vật. Như, chế độ ăn hàng ngày có nhiều rau, củ, quả và giảm bớt thịt, không nên ăn nhiều nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày… ăn các loại cá, tôm, cua nhiều hơn, giảm bớt chất béo, trong bữa ăn, không ăn quá nhiều chất ngọt, không nên ăn mặn, chua quá.
Thăm hỏi quan tâm lẫn nhau
Những người cao tuổi thường hay cảm thấy cô đơn, trống trải thậm chí cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Vì thế, nếu không tự thay đổi bản thân, người già dễ rơi vào trạng thái chán nản, buồn phiền… Hãy quan tâm, chăm sóc và tiếp xúc với người cao tuổi nhiều hơn thông qua các việc như thăm ông bà, bố mẹ. Để con cháu chơi cùng người cao tuổi, cũng như giúp họ làm các việc nhẹ nhàng, đúng sở thích, sở trường. Nhiều việc rất đơn giản như nấu món người già thích hay để người già nấu món con cái thích cũng khiến họ vui vẻ
Đặc biệt, nên cư xử nhẹ nhàng, đừng để các cụ cảm thấy họ bị hắt hủi, bỏ rơi. Có thể tổ chức các buổi du lịch nghỉ dưỡng, vãn cảnh đền chùa, cảnh đẹp quê hương, thăm viếng họ hàng… Đây là một trong những khoảng thời gian vui vẻ, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực của người cao tuổi.
Khám sức khỏe định kỳ
Người cao tuổi thường xuyên mắc rất nhiều loại bệnh khác nhau do sự suy giảm của hệ thống đề kháng và hệ thống tiêu hóa do tuổi tác. Người già thường xuyên mắc các bệnh như huyết áp, tim mạch, trí nhớ, xương khớp… Trong đó, đa số những bệnh này đều không thể chữa dứt điểm và tăng nặng theo thời gian.
Việc khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động vô cùng cần thiết khi chăm sóc người cao tuổi nhằm mục tiêu phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời giúp hạn chế hoặc điều trị dứt điểm ngay từ khi bệnh còn mới.
Điều trị cho người cao tuổi rất khó khăn và mất nhiều thời gian, đồng thời khả năng hồi phục của người cao tuổi cũng rất kém. Phát hiện bệnh càng sớm chừng nào thì hiệu quả điều trị càng tốt chừng đó.
Lưu ý khi dùng thuốc
Người cao tuổi có nhiều bệnh lý nhưng việc sử dụng phải đảm bảo đúng và đủ theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh lạnh dụng, nhất là thuốc bổ. Nếu phải dùng thuốc, thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao. Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan – thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác;
Khi dùng thuốc phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc.