Kha Ninh
![]() |
Ở tuổi 82, ông Keno Nagasaki vẫn làm việc tại Tenpos Holdings. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Áp lực từ dân số già
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2050, toàn cầu sẽ có khoảng 1,6 tỷ người từ 65 tuổi trở lên, chiếm gần một phần sáu dân số thế giới. Riêng châu Á, khu vực đông dân nhất, sẽ chiếm tới 60% trong số này.
Trong khi đó, Liên hợp quốc ghi nhận tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 46,5 tuổi (năm 1950) lên 73 tuổi (năm 2019) và dự kiến đạt 76 tuổi vào năm 2050.
Những biến chuyển nhân khẩu học đang gây áp lực nặng nề lên hệ thống an sinh xã hội toàn cầu. Khi số người nghỉ hưu ngày càng nhiều, lực lượng lao động thu hẹp, các chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kéo dài độ tuổi làm việc – giải pháp vừa mang tính cấp thiết, vừa không dễ thực hiện.
Làn sóng cải cách
Châu Âu – khu vực già hóa dân số nhanh nhất thế giới – đang dẫn đầu trong cải cách chính sách hưu trí. Theo EuroNews, Đan Mạch, Na Uy và Iceland giữ mức tuổi nghỉ hưu cao nhất (67 tuổi), trong khi nhiều nước như Anh, Đức, Hà Lan, Ireland và Bồ Đào Nha đã vượt mốc 65 tuổi.
Tổ chức OECD cho biết, sắp tới sẽ có 20 nước châu Âu tăng tuổi nghỉ hưu nam, 24 nước tăng đối với nữ. Dự báo đến năm 2060, độ tuổi nghỉ hưu trung bình tại EU sẽ khoảng 66,7 tuổi với nam và 66,4 tuổi với nữ, dao động từ 62 đến 74 tuổi.
Tại châu Á, xu hướng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng diễn ra mạnh mẽ. Singapore dự kiến nâng lên 65 tuổi vào năm 2030. Indonesia sẽ tăng từ 56 tuổi (2015) lên 59 tuổi (2025), hướng tới 65 tuổi. Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh từ 1/1/2025, nâng lên 63 tuổi với nam và 55–58 tuổi với nữ tùy ngành. Nhật Bản – quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới – đang thay đổi tư duy về nghỉ hưu. Theo Nikkei Asia, 5,4 triệu người trên 70 tuổi vẫn làm việc, chiếm 14% lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục cống hiến theo khả năng và nguyện vọng.
Tại Việt Nam, dù đang trong thời kỳ “dân số vàng”, quá trình già hóa diễn ra nhanh chóng. Dự báo đến năm 2030, khoảng 30% dân số sẽ từ 60 tuổi trở lên. Để thích ứng, từ năm 2021, Việt Nam thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu: nam đạt 62 tuổi vào 2028, nữ đạt 60 tuổi vào 2035, mỗi năm tăng lần lượt 3 và 4 tháng.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 sẽ mở rộng độ bao phủ sang khu vực phi chính thức và rút ngắn thời gian đóng góp để hưởng lương hưu. Những cải cách này hướng tới đảm bảo an sinh, công bằng và bền vững trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.
Gánh nặng hay cơ hội?
Việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội và tâm lý cá nhân. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc hiệu quả và bền vững?