Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh mới đặt tại Tân An trước giờ G

 Thiên Long – Thùy Trang 
Ngày 1/7, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ chính thức đi vào hoạt động, mọi công việc chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, bộ máy tổ chức sắp xếp đã hoàn tất.

Trung tâm hành chính Tây Ninh đã sẵn sàng

Chỉ còn đúng 1 ngày nữa, TP Tân An (Long An) được chọn làm Trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh mới sau sáp nhập 2 địa phương Long An và Tây Ninh.

Đây là cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ, chỉ cách TP.HCM chưa tới 40km. Tỉnh Tây Ninh có cửa sông ra biển lớn, hạ tầng giao thông, kinh tế khá đồng bộ, vị trí này lợi thế rất lớn để vận hành trụ sở hành chính cấp tỉnh hiện đại.

Đến thời điểm này, các địa phương cùng sở, ngành xem như hoàn thành điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị công nghệ thông tin, mạng lưới hạ tầng để chính thức đi vào vận hành.

Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh đặt tại phường Long An. Ảnh: Thiên Long

Long An – Tây Ninh trước đó đã thống nhất triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến các cơ sở cấp xã, các đơn vị có cơ sở 2, sau đó ban hành Bộ thủ tục hành chính chung của Tây Ninh mới.

Việc vận hành thử các đơn vị hành chính cấp xã theo bộ máy mới cũng được tiến hành thử nghiệm vào trung tuần tháng 6/2025. Kết quả đạt yêu cầu cao, một số vướng mắc nhỏ được ghi nhận và khắc phục kịp thời.

Trụ sở Chi cục thuế TP Tân An (Long An cũ) đang sửa lại để bố trí cán bộ đến ở. Ảnh: Thiên Long

Phương án bố trí nơi ở, sinh hoạt cho cán bộ từ Tây Ninh (cũ) chuyển đến công tác tại Trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh mới cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sở Nội vụ Long An cho biết, có 254 cán bộ, công chức từ Tây Ninh (cũ) được điều động về trung tâm hành chính mới, trong đó có 33 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tất cả cán bộ này được bố trí tại khu nhà ở công vụ cùng một số cơ sở tạm thời như trụ sở cũ của Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát hình sự, khu tập thể Trường Chính trị tỉnh (Long An cũ) cách Trung tâm hành chính công chỉ 2-3km

Thông tin từ Giám đốc Sở Xây dựng Long An Đặng Hoàng Tuấn, cho biết nhiều tháng qua, tỉnh đã chỉ đạo cải tạo, sửa chữa khẩn trương các cơ sở này để bảo đảm công năng, điều kiện ở phù hợp cho cán bộ đến nhận nhiệm vụ ngay ngày 1/7 .

Trụ sở Công an xã Cần Giuộc đã thay đổi tên tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thiên Long

“Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất, lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công vụ tập trung nhằm bảo đảm nơi ở ổn định cho cán bộ, công chức ở xa di chuyển. Ngoài ra còn xây dựng phương án bố trí phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức từ tỉnh Tây Ninh (cũ) đến Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh mới làm việc. Đối với các sở, ngành và các xã cũng đã chủ động sửa sang, bố trí phù hợp, bảo đảm điều kiện làm việc và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên hệ, thực hiện các thủ tục”, ông Tuấn nói thêm.

Đẩy nhanh phát triển giao thông, khu kinh tế

Tỉnh Tây Ninh mới có diện tích hơn 8.500km², với dân số hơn 3,2 triệu người. Tây Ninh là một tỉnh có vị trí chiến lược giáp ranh TP.HCM, nối liền các tỉnh miển Tây Nam bộ, cửa khẩu quốc tế sang Campuchia, cửa sông ra biển. Đây là lợi thế lớn để phát triển công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch…

Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp tiếp giáp Campuchia đón lượng lớn phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại. Ảnh: Thiên Long

Tỉnh có hệ thống giao thông liên kết đa dạng, bao gồm các trục đường như các quốc lộ 22, 1, 50, N2, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành. Nhiều tuyến đường đang chuẩn bị xây dựng như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, quốc lộ 50B, Vành đai 4 TP.HCM góp phần kết nối các vùng Đông và Tây Nam bộ,…

Việc hợp nhất nhận được sự đồng tình cao cùng sự kỳ vọng lớn từ người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Hồng Phương (60 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, Long An) cho rằng, bộ máy mới hoạt động hiệu quả thì dân sẽ được hưởng lợi rất lớn. Mọi thủ tục hành chính đều qua cổng thông tin điện tử thì dân bớt rất nhiều thời gian đi lại và giảm nảy sinh hiện tượng tiêu cực.

Hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa… cho rằng, việc tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, giảm bớt rào cản thủ tục và tạo động lực tăng trưởng mới.

Việc hợp nhất Long An và Tây Ninh thành tỉnh Tây Ninh mới không chỉ là điều chỉnh đơn thuần về địa giới hành chính mà còn là bước cải cách thể chế sâu, rộng, là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng quản trị công.

Chỉ còn 1 ngày nữa là guồng máy chính thức vận hành, mọi mong chờ diện mạo mới hình thành với tên Tây Ninh – một đô thị phát triển trong tương lai gần.

Trung tâm phục vụ hành công tỉnh Tây Ninh, gồm:

Trụ sở 1: Tầng 2, khối nhà cơ quan 4, đường Song Hành, phường Long An (phường 6, TP Tân An, Long An cũ).

Trụ sở 2: Số 83 đường Phạm Tung, phường Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (Phường 3, TP Tây Ninh cũ)