“Trường học lớn” của thế hệ trẻ
BTN – 45 năm trôi qua tưởng như mới hôm nào, Tổng đội TNXP thực hiện nhiệm vụ phục vụ trên biên giới Tây Nam trong một thời gian không dài, chỉ trong vòng hơn ba năm 1977-1980, nhưng hiệu quả mang lại không phải nhỏ.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP biên giới Tây Nam tại huyện Châu Thành.
45 năm trước, hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta vừa kết thúc thắng lợi, nước nhà thống nhất mới được vài năm, nhân dân ta đang vui hưởng hoà bình, kinh tế xã hội mới bước đầu khôi phục thì đột nhiên bọn diệt chủng Pol Pot tràn sang các tỉnh biên giới phía Tây Nam, ở nhiều nơi chúng “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” đồng bào ta một cách man rợ, không còn tính người. Tại Tây Ninh, thảm cảnh ấy còn ghi rõ trong lịch sử Đảng bộ tỉnh:
“Với âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ đất nước ta, bè lũ Pol Pot, có sự xúi giục của thế lực bên ngoài đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ở đoạn biên giới của tỉnh Tây Ninh, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích, từng lúc xâm phạm vào đất ta, đêm 24 rạng ngày 25.9.1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm các sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân sự địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên và Bến Cầu.
Chúng tàn sát, đốt phá cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta. Riêng xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn…” (Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) trang 363-364).
Chỉ vài ngày sau đêm thảm khốc đó, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn phát động, huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, tổ chức thành 2 đại đội dân công hoả tuyến đưa đến các địa phương bị Pol Pot thảm sát ở hai huyện Tân Biên, Bến Cầu tìm thi thể, mai táng đồng bào, đưa người bị thương về nơi điều trị, thu dọn lại nhà cửa bị chúng đốt phá, đưa đồng bào trở về nơi ở an toàn, ổn định lại cuộc sống. Đồng thời các đơn vị dân công hoả tuyến còn làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường cho các đơn vị bộ đội chiến đấu đẩy lùi bọn diệt chủng Pol Pot sang bên kia biên giới.
Đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến trường trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc có khả năng kéo dài, Tỉnh uỷ Tây Ninh giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), do Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, chỉ đạo, trước mắt phục vụ chiến đấu trên chiến trường biên giới, khắc phục hậu quả do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra, tổ chức sản xuất làm chỗ dựa cho nhân dân vùng biên giới, xây dựng, đào tạo con người mới cho xã hội về lâu dài.
Thế là tuổi trẻ Tây Ninh nô nức lên đường gia nhập Tổng đội TNXP với 2 đại đội Dân công hoả tuyến ban đầu làm nòng cốt, lấy ngày 25.9.1977 làm ngày thành lập đơn vị. Từ đó đơn vị nhanh chóng phát triển, đầu năm 1978, Tổng đội được bố trí đóng quân tại Trà Phí, nơi trước kia là đồn lính Mỹ, tiến hành xây dựng doanh trại, tiếp tục đón nhận đội viên TNXP từ các địa phương đưa lên. Được sự giúp đỡ của đơn vị Công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến hỗ trợ rà phá bom mìn, toàn Tổng đội đã nỗ lực xây cất lán trại gọn gàng ngăn nắp, bố trí hợp lý, đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hàng ngàn người.
Thời gian đó, Tổng đội còn mạnh dạn đảm nhận những công trình công ích đòi hỏi kỹ thuật cao do tỉnh giao. Ít ai biết được rằng trạm bơm Trà Phí- một hệ thống thuỷ lợi kênh nổi bằng bê-tông từ Trà Phí đến Lâm Vồ dài trên 1.000 mét là sản phẩm đầu tay của Tổng đội TNXP Tây Ninh, được xây dựng với tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, tất cả lực lượng từ lãnh đạo đơn vị đến cán bộ, đội viên đều ra công trường để hoàn thành đúng tiến độ được giao. Thành tích này được UBND tỉnh và ngành Thuỷ lợi lúc bấy giờ đánh giá rất cao.
Giữa năm 1978, Tổng đội phát triển lên tới 4 liên đội và 2 đại đội trực thuộc, với quân số khoảng 3.000 đội viên. Nhận thấy đơn vị đã đủ lực lượng để đảm nhận công việc quan trọng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã điều động Tổng đội TNXP Tây Ninh lên biên giới phía Bắc huyện Tân Biên khai hoang phục hoá và bảo vệ biên giới từ Kà Tum đến Vạc Sa, Suối Đục, Tống Lê Chân (các xã Tân Đông, Tân Hội, Tân Hà, Tân Hoà huyện Tân Châu ngày nay).
Chấp hành sự chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh Tổng đội lại hành quân lên biên giới, vừa xây dựng căn cứ tiền phương, vừa đào công sự, giao thông hào chung quanh nơi đóng quân để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới. Lúc này, lực lượng TNXP là đơn vị bán quân sự, được trang bị súng đạn, được cung cấp máy cày, máy xới, để cán bộ, đội viên an tâm thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, Tổng đội còn đưa hẳn một đại đội hơn 100 đội viên sang làm công nhân nông trường Nước Trong, để duy trì và phát triển sản xuất của nông trường trong những năm chiến tranh biên giới.
Chưa đầy một năm sau, ngày 27.7.1978, Tổng đội TNXP Tây Ninh đã vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng ngọn cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Trong bài viết ghi nhận sự kiện này với tựa đề “Chiến công đầu của tuổi trẻ Tây Ninh”, của nhà báo Kim Sơn đăng trên Báo Tây Ninh số ra ngày 27.7.1978 có đoạn: “Sau các vụ xâm lấn, giết hại đồng bào ta của bọn phản động Pol Pot trên tuyến biên giới, chỉ sau 3 ngày theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trên 1.000 anh chị em thanh niên đã đăng ký gia nhập lực lượng Dân công hoả tuyến.
Ra đi lần này, anh chị em nguyện sát cánh cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận bảo vệ biên giới, đánh trả bọn phản động lấn chiếm, không cho chúng xâm lấn Tổ quốc ta một tấc đất. Hành trang của anh chị em cùng với chiếc ba lô, phương tiện công tác, là cả trái tim nóng bỏng truyền thống giữ nước có từ bao đời của ông cha ta. Chiến trường của anh chị em là vùng biên giới, những nơi có tiếng súng xâm lấn của bọn Pol Pot, nơi mà bọn giết người đã thảm sát hàng ngàn đồng bào ta. Sau gần 100 ngày đêm phục vụ chiến đấu, đơn vị đã lập được thành tích vẻ vang.
Trong cuốn sổ thành tích của Tổng đội, thành tích chung của đơn vị được ghi rõ: “Trên chiến trường biên giới thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành, anh chị em đã đi bộ băng rừng, lội suối vận chuyển hàng trăm tấn đạn dược, thực phẩm, thuốc men cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Bằng những phương tiện thủ công, anh chị em đã đóng góp hàng ngàn ngày công, sửa chữa, đắp mới nhiều con đường ra phía trước. Anh chị em đã bất chấp nguy hiểm, mùi tử khí, tìm xác và mai táng nhiều thi hài đồng bào ta bị giặc Pol Pot tàn sát. Từng viên đạn, hạt gạo, viên thuốc được các anh chị em mang đến tận chiến hào đã có tác dụng mạnh mẽ, động viên, tiếp sức cho bộ đội ngoài mặt trận…”.
Sự hiện diện của TNXP trên tuyến đầu biên giới, đã góp phần bảo vệ và khôi phục lại màu xanh trên vùng đất chết. Hàng trăm héc-ta được khai hoang phục hoá, bởi những đôi tay không chuyên sau khi rà phá bom mìn. Bàn chân TNXP đã in dấu trên khắp các nẻo đường biên giới, ngày cũng như đêm, tay súng tay cày làm ra sản phẩm đóng góp cho tỉnh nhà hàng trăm tấn lúa, mì…
Có thể nói, dòng nước trong xanh từ đập Suối Đục tưới mát cánh đồng biên giới, cũng như những tấn đá vôi đầu tiên được phát hiện và khai thác tại Sóc Con Trăn đã phải đổi bằng máu trong thời gian TNXP xây dựng đập, khai thác đá. Từ phát hiện đầu tiên đó, khi Liên đoàn Địa chất 6 do Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch dẫn đầu đi nghiên cứu, khảo sát thực địa vỉa mỏ đá vôi ở vùng Bắc Tây Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Tổng đội TNXP cử 2 cán bộ là Phạm Quốc Cường và Nguyễn Hữu Triệu hướng dẫn và phục vụ cho đoàn.
Kết quả mỏ đá vôi Tống Lê Chân được xác định các thông số kỹ thuật, làm căn cứ để quy hoạch, thiết kế, xây dựng nhà máy xi măng Fico Tây Ninh ngày nay. Điều này khẳng định, Tổng đội TNXP Tây Ninh không chỉ bảo vệ bình yên biên giới, mà còn góp phần lao động sản xuất, khơi nguồn khai thác tài nguyên của tỉnh nhà.
Liên đội 1 được giao nhiệm vụ đứng chân lâu dài trên biên giới, đóng quân tại Kà Tum vừa sản xuất, vừa góp phần sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tại Kà Tum. Trong đó có 1 đại đội gồm 100 cán bộ đội viên được chuyển sang Nông trường Nước Trong làm công nhân trực tiếp sản xuất, do trong chiến tranh biên giới Nông trường chỉ còn bộ khung quản lý, anh em công nhân và gia đình đã được sơ tán về trong nội địa. Liên đội 2 được điều động xuống Bời Lời xây dựng nông trường trồng cây công nghiệp
…
Liên đội Cơ động và Liên đội 3 được điều động về Bến Cầu, xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tây Bến Cầu tại xã Long Thuận. Và trong những năm cực kỳ khó khăn, thiếu thốn 1978, 1979, theo sự điều động của tỉnh, Tổng đội tập trung 2 liên đội này tham gia sản xuất tự túc trên cánh đồng trồng bắp tập trung từ Tua Hai (Châu Thành) đổ dài lên tới Mỏ Công (Tân Biên).
45 năm trôi qua tưởng như mới hôm nào, Tổng đội TNXP thực hiện nhiệm vụ phục vụ trên biên giới Tây Nam trong một thời gian không dài, chỉ trong vòng hơn ba năm 1977-1980, nhưng hiệu quả mang lại không phải nhỏ. Quan trọng nhất là đào tạo được một lớp người trẻ vùng mới giải phóng đóng công góp sức trên nhiều lĩnh vực phát triển của tỉnh; đồng thời tích luỹ được bài học kinh nghiệm huy động lực lượng trẻ để đảm trách các hoạt động tập trung xây dựng kinh tế xã hội tỉnh nhà, điển hình như công trường thanh niên cộng sản xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, phát huy tác dụng, hiệu ích cho đến ngày nay.
Nguyễn Tấn Hùng