Cán bộ không chuyên trách cấp xã gồm những ai?
Luật sư Hoàn và luật sư Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Căn cứ Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố như sau:
Căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; nguồn kinh phí ngân sách địa phương dành cho cải cách chính sách tiền lương; các quy định pháp luật có liên quan và đặc thù của từng địa bàn, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành quy định cụ thể về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách.

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, việc xác định các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở quỹ phụ cấp được Trung ương khoán, nguồn ngân sách cải cách tiền lương của địa phương và đặc thù tổ chức bộ máy từng địa bàn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định cụ thể các chức danh này.

Ví dụ, tại TP. Hà Nội, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND của Hà Nội, các chức danh và cơ cấu người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm 10 chức danh, bao gồm: Văn phòng Đảng ủy cấp xã; Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, theo Điều 2 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND, danh mục chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định khá cụ thể, gồm: Văn phòng Đảng ủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Thường trực Khối vận; Tuyên giáo; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự. Ngoài ra, TP.HCM còn bố trí thêm một số vị trí phụ trách các lĩnh vực chuyên môn như: Bình đẳng giới – Trẻ em; Công nghệ thông tin; Dân số – Kế hoạch hóa gia đình; Lao động – Thương binh và Xã hội; Phụ trách kinh tế; Thủ quỹ – Văn thư – Lưu trữ.
Từ 1/8/2025, chức danh cấp xã nào sẽ bị xóa bỏ?
Theo Công văn số 03/CV-BCĐ năm 2025 về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu), việc sử dụng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chính thức kết thúc kể từ ngày 01/8/2025. Cụ thể như sau:
Chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ ngày 01/8/2025.
Giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí lại những người đủ điều kiện tiếp tục tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố, nếu phù hợp yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với các trường hợp không được bố trí công tác, phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định pháp luật.
Cũng theo hướng dẫn, thôn và tổ dân phố tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp hành chính. Trước mắt, giữ nguyên số lượng thôn, tổ dân phố hiện có. Sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu phương án tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phục vụ trực tiếp đời sống người dân.

Về cơ cấu, số lượng cán bộ không chuyên trách tại cấp xã, khoản 1 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định: Xã loại I: không quá 14 người,Xã loại II: không quá 12 người, Xã loại III: không quá 10 người,
Tùy điều kiện từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể danh mục chức danh người hoạt động không chuyên trách, trên cơ sở quỹ phụ cấp khoán và nhu cầu thực tế, như TP. Hà Nội hiện quy định 10 chức danh không chuyên trách cấp xã như: Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch MTTQ, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. TP. Hồ Chí Minh quy định 18 chức danh, ngoài các chức danh tương tự Hà Nội còn có thêm các vị trí đặc thù như: Công nghệ thông tin, Bình đẳng giới – Trẻ em, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ quỹ – Văn thư – Lưu trữ.
Như vậy, sau ngày 1/8/2025, việc sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sẽ dừng theo lộ trình thống nhất. Việc sắp xếp, bố trí lại hoặc hỗ trợ các cá nhân sẽ do địa phương chủ động căn cứ tình hình cụ thể, nhằm đảm bảo quyền lợi và phù hợp với bộ máy mới theo quy định.