Sau hai thập kỷ nghiên cứu hàng trăm người sống trên 100 tuổi, nhà khoa học Stacy Andersen rút ra bốn thói quen cá nhân giúp duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Stacy Andersen là nhà khoa học thần kinh hành vi tại Trường Y khoa Chobanian & Avedisian, thuộc Đại học Boston (Mỹ). Bà cũng là đồng giám đốc của dự án “Nghiên cứu Người sống thọ New England” kéo dài hơn 20 năm nhằm tìm hiểu bí quyết sống khỏe mạnh trên 100 tuổi.
Trong quá trình nghiên cứu, Andersen đã đến tận nhà của hàng trăm người sống thọ khắp nước Mỹ, gặp gỡ gia đình họ, thậm chí cùng ăn sáng để quan sát thói quen sinh hoạt. “Chúng tôi không cố gắng để mọi người sống tới 100 tuổi. Điều chúng tôi hướng đến là giúp mọi người sống như những người trăm tuổi, nghĩa là sống thọ và khỏe mạnh”, Andersen nói.
Bà cho biết, việc sống đến tuổi 105 trở lên phần lớn là do di truyền (khoảng 70%) nhưng mọi người vẫn có thể kéo dài tuổi thọ tới 80 – 90 tuổi nhờ những thói quen sống lành mạnh. Từ kinh nghiệm cá nhân và quan sát thực tế, bà áp dụng 4 nguyên tắc sau trong cuộc sống hàng ngày:

Bạn có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác nhau bằng cách ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Ảnh minh hoạ
Ăn đa dạng rau quả nhiều màu mỗi ngày
Andersen khuyên nếu muốn sống khoẻ, bạn hãy cố gắng ăn ít nhất 5 loại rau củ hoặc trái cây có màu sắc khác nhau mỗi ngày để đảm bảo bổ sung đa dạng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Bà ưu tiên chế độ ăn giàu thực phẩm tự nhiên như rau, đậu, hạt, trái cây và thịt nạc, lấy cảm hứng từ chế độ ăn Địa Trung Hải, được xếp hạng là chế độ ăn lành mạnh nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp theo US News & World Report.
Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy những người duy trì chế độ ăn giàu thực phẩm nguyên chất có thể sống lâu hơn tới 10 năm so với người áp dụng chế độ ăn nhanh kiểu phương Tây.
Duy trì vận động hàng ngày, kể cả việc nhà
Mỗi ngày, Andersen đều vận động cơ thể. Có khi bà dắt chó đi bộ đường dài, có khi chạy bộ trên máy. Bà không đặt nặng việc luyện tập chuyên sâu, mà quan trọng là duy trì đều đặn và kết hợp nhiều hình thức vận động.
Bà nhận thấy những người sống thọ thường rất năng động. Họ lái xe lâu hơn người cùng tuổi khoảng 10 năm, sống độc lập đến tận tuổi 90 và thường tiếp tục làm việc thêm vài năm sau tuổi nghỉ hưu.
Ngoài các bài tập như đi bộ và giãn cơ, họ còn vận động qua những việc đơn giản như dọn dẹp, làm vườn, chăm sóc nhà cửa. Nghiên cứu của Đại học Cambridge năm 2023 cho thấy chỉ cần 11 phút tập thể dục mỗi ngày cũng có thể giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim và ung thư.
Ngủ đủ và đều đặn
Giấc ngủ chất lượng là ưu tiên của Andersen. Bà cố gắng ngủ khoảng 8 tiếng mỗi đêm và duy trì lịch trình ngủ nhất quán, điều được cho là quan trọng hơn cả số giờ ngủ.
“Mỗi người sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau nhưng điều quan trọng là cảm giác tỉnh táo khi thức dậy”, bà nói. Theo nghiên cứu, giấc ngủ sâu cũng là thời điểm não bộ “tự làm sạch”, loại bỏ các protein độc có thể liên quan đến bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác.
Luôn học kỹ năng mới để thử thách trí não
Gần đây, Andersen bắt đầu học chèo thuyền, một hoạt động vừa vận động thể chất vừa kích thích tinh thần. Bà khuyến khích mọi người tìm đến điều gì đó mới mẻ, từng mong muốn thực hiện nhưng chưa có dịp thử.
“Bất cứ điều gì bạn luôn muốn làm mà mới mẻ, hãy đi và làm điều đó”, bà nói. Một số người sống thọ mà Andersen từng gặp đã bắt đầu học vẽ tranh ở tuổi 80 – 90.
Theo bà, học kỹ năng mới giúp kích hoạt các vùng não, củng cố và tạo lập các đường dẫn thần kinh. Điều này rất cần thiết cho sức khỏe trí tuệ.
Một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Edinburgh (Anh) cho thấy chỉ sau một tuần học ngôn ngữ chuyên sâu, những người tham gia từ 18 đến 78 tuổi đã cải thiện rõ rệt khả năng tập trung và chuyển đổi giữa các nhiệm vụ.
Phạm Linh (Theo Business Insider)