50 năm mở cửa Lăng Bác: “Vinh quang con đứng bên Người”

VOV.VN – Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng, toàn diện; được tổ chức huấn luyện, rèn luyện công phu, nghiêm ngặt về điều lệnh, nghi lễ, sức chịu đựng dẻo dai.

Cách đây tròn 50 năm, khi nước nhà thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thì 4 tháng sau đó, ngày 29/8/1975, sau 2 năm xây dựng với sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành.

50 năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó là giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nửa thế kỷ trôi qua, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Từ khi mở cửa Lăng vào ngày 29/8/1975 đến này, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn cho hàng triệu lượt đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế. Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng, toàn diện; được tổ chức huấn luyện, rèn luyện công phu, nghiêm ngặt về điều lệnh, nghi lễ, sức chịu đựng dẻo dai, hình thành nên những chiến sĩ tiêu binh trong đội hình danh dự với một yêu cầu tiêu chuẩn “đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”. Được canh giấc ngủ cho Người, mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận thức rõ, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào, vinh dự lớn lao.

Kỷ niệm 50 năm mở cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo VOV.VN bắt đầu đăng tải loạt bài viết về những cống hiến thầm lặng nhưng đầy vẻ vang của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nửa thế kỷ qua.

Vinh quang con đứng bên Người
Canh cho Bác ngủ ngon giấc
Trên môi như Bác vẫn cười
Bác vui vì khắp non sông
Cháu con trở về sum vầy.

Ai đã một lần được vào Lăng viếng Bác hẳn không thể quên những câu hát này của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước. Những câu hát khắc họa hình ảnh vẻ vang của những chiến sĩ tiêu binh trong bộ quân phục trắng đứng trang nghiêm canh giấc ngủ cho Người. Họ thuộc Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có thể đứng nghiêm cả tiếng đồng hồ như vậy, họ đã phải luyện tập ra sao?

Đứng nghiêm mặt luôn hướng về phía mặt trời

Một buổi sáng đầu tháng tư, ánh nắng vàng nhưng không gắt, không khí chưa phải hứng cái oi bức của mùa hè, tôi được chứng kiến một buổi tập của những chiến sĩ trong Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bước vào doanh trại Đoàn 275 nằm yên tĩnh trong con ngõ nhỏ phố Vũ Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là hàng khẩu hiệu: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, trước tòa nhà chính. Càng tiếp xúc với họ, tôi càng cảm nhận được khẩu hiệu này đã ăn sâu vào suy nghĩ, hành động của từng chiến sĩ đến chỉ huy.

Buổi sáng hôm ấy, những người lính tập luyện dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn Thanh Lam, Phân đội trưởng Phân đội 2, Đội Tiêu binh danh dự. Có lẽ đây là một trong những đội hình đẹp nhất của quân đội. Những chiến sĩ còn rất trẻ, có chiều cao dong dỏng như nhau, khuôn mặt ai cũng sáng ngời trong nắng, và đặc biệt là ánh mắt của họ rất sáng. Buổi tập diễn ra trong cái nắng nhẹ đầu hè nên họ cũng  đỡ mệt hơn, nhưng chỉ một tháng nữa thôi, những buổi tập của họ sẽ thấm đẫm mồ hôi, nói như một chiến sĩ là khi tập xong, từ quần áo đến tất chân có thể vắt ra nước. Theo tiếng hô của Đại úy Lam, từng động tác của những người lính diễn ra nhanh gọn, dứt khoát và đẹp mắt. Với mỗi động tác, Đại úy Lam lại quan sát nhắc nhở những đồng chí làm động tác chưa chuẩn. Ngày nào cũng vậy, những chiến sĩ này tập luyện cả sáng, chiều, tối.

Chiến sĩ Lê Đại Thắng, 20 tuổi, quê ở Kiến Xương, Thái Bình chia sẻ, hồi mới nhập ngũ, em chưa quen với cường độ luyện tập căng thẳng nên rất mệt, sau 1 tháng rèn luyện thể lực, em quen dần, tập đỡ mệt hơn. Khi tập luyện, Thắng thấy khó nhất ở động tác ke chân đi nghiêm.

“Nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng chúng em mất nhiều thời gian để tập cho đúng động tác này. Từng người tập đúng thì đội hình mới đều, đẹp được. Đứng lâu bằng một chân cho vững đã khó, chân kia còn còn phải đưa lên cách mặt đất 30cm, từ mũi bàn chân đến ống chân phải tạo thành đường thẳng. Bàn chân không được vẹo sang một bên, mà phải song song với mặt đất. Lúc đầu chúng em tập tư thế này với thời gian 30 giây, sau nâng dần, giờ chúng em có thể ke được 3 phút. Mới tập, em đứng chưa quen, người cứ bị xiêu vẹo, sau buổi tập đôi chân mỏi nhừ, cứng lại, cảm giác như không thể bước nổi. Tập mệt, tối nào đặt lưng xuống là ngủ một giấc rất sâu, hôm sau dậy với tinh thần sảng khoái để bước vào một ngày làm việc mới. Em thấy vinh dự và tự hào khi được ở trong quân ngũ, được canh giấc ngủ cho Người nên sau khi hết nghĩ vụ quân sự nếu có cơ hội em mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân ngũ” ” – Thắng chia sẻ.

Chiến sĩ Trần Văn Lượng, 20 tuổi, quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang thì thấy khó khăn với động tác đứng nghiêm. “Đứng nghiêm một vài phút thì quá đơn giản nhưng công việc yêu cầu chúng em đứng nghiêm trong cả giờ đồng hồ. Với những ca túc trực bên Thi hài Bác trong Lăng, chúng em đứng nghiêm 30 phút còn đứng trước cửa Lăng mỗi ca gác là 1 tiếng. Đã vào ca gác thì muỗi đốt hay con gì đậu vào người, có ngứa cũng không được gãi, không được đuổi, phải chịu đựng, không được có bất kỳ động tác thừa nào, cứ đứng im phăng phắc như pho tượng vậy. Để có thể đứng gác trong tư thế đứng nghiêm lâu như vậy, chúng em phải rèn luyện nhiều. Lúc mới tập, chúng em tập đứng nghiêm từ 30 phút đến một giờ, nay chúng em có thể đứng nghiêm trong suốt 4 tiếng dưới nắng hè gay gắt, mặt luôn hướng về phía mặt trời”.

Sở dĩ các chiến sĩ tiêu binh khi tập đứng nghiêm luôn phải hướng mặt về phía mặt trời là để quen với công việc khi đứng gác, vì mặt chính cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quay về hướng Đông, nên khi gác ngoài lăng, lính tiêu binh sẽ phải đối mặt với ánh mặt trời, bất kể đông hay hè.

Chiến sĩ Trần Văn Lượng cho biết thêm, dù đứng canh trong Lăng hay trước cửa Lăng đều có nỗi vất vả riêng. Trong Lăng thì nhiệt độ rất lạnh, đứng lâu mới đầu chưa quen, tối về buốt hết hai hàm răng. Đứng ngoài Lăng mùa Đông còn đỡ, chứ mùa hè hướng mặt về phía mặt trời nóng lắm, đơn vị đã trang bị điều hòa ở dưới hắt lên cũng đỡ phần nào, nhưng đứng nghiêm cả tiếng đồng hồ cũng là thử thách đối với bất cứ ai.

Rưng rưng khi thấy đồng bào khóc khi vào Lăng viếng Bác

Với chiến sĩ Vũ Đình Thi, 24 tuổi, (quê ở Kim Bảng, Hà Nam) khi chưa vào Đội Tiêu binh danh dự đã rất thích xem lễ thượng cờ và hạ cờ trước cửa Lăng, bởi vậy khi được làm công việc này Thi thấy rất tự hào. Lần đầu làm lễ thượng cờ Thi thấy run lắm, dù trước đó đã được luyện tập nhiều. Hôm đó, người dân đến đông nên Thi bị tâm lý, chỉ lo có sai sót gì xảy ra. May mà buổi đầu làm tốt nên những buổi sau Thi không còn run nữa. Tuy vậy, lần nào tham gia lễ thượng cờ Thi cũng thấy xúc động bởi không khí trang nghiêm khi kéo cờ. Hỏi Thi có bao giờ gặp người quen khi làm lễ thượng cờ hay hạ cờ hay không Thi cười bảo: “Chúng em làm việc, mắt lúc nào cũng nhìn thắng về phía trước, không được liếc ngang liếc dọc nên dù có người quen trong đám đông em cũng không nhận ra. Có người thấy em đang làm lễ thượng cờ về kể với bố mẹ, bố mẹ cũng tự hào lắm, khoe với bà con làng xóm con tôi được tham gia kéo cờ, hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình đấy”.

1 năm làm lính tiêu binh cho Thi nhiều cảm xúc. Mỗi lần đứng túc trực bên Thi hài Bác, chứng kiến người dân vào viếng Bác, có người không kìm được xúc động đã bật khóc khiến Thi cũng thấy rưng rưng. Rồi khi làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân vào viếng Bác, có người ngồi xe đẩy, Thi khiêng xe đưa họ vào viếng Bác, lúc ra họ nắm tay cảm ơn, chúc Thi hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Lăng, bảo vệ Bác khiến thi cũng nghẹn ngào bởi tình cảm người dân dành cho Bác và cho lính tiêu binh.

Với chiến sĩ Tạ Đức Thành 24 tuổi (Hiệp Hòa, Bắc Giang) trước khi vào Đội Tiêu binh danh dự đã được đến thăm Lăng Bác mấy lần.

“Hồi nhỏ được vào Lăng viếng Bác, em ấn tượng với những chiến sĩ mặc quân phục trắng đứng canh Lăng Bác lắm. Em thấy thán phục vô cùng khi họ có thể đứng nghiêm lâu như vậy. Nhìn họ thật oai phong, vì vậy khi được chọn vào Đội Tiêu binh danh dự em thấy tự hào lắm. Vậy là giờ đây mình cũng có thể làm công việc như họ, những em nhỏ đến thăm Lăng Bác nhìn mình lại thấy thán phục” – Thành cười chia sẻ.

Khi mới vào đội, Thành mất 2 tuần đầu cảm thấy khó khăn với cường độ luyện tập cao. Không chỉ Thành mà với các thành viên khác khi mới vừa tham gia những ngày huấn luyện tân binh, điểm yếu của họ là thể lực. Vì thế họ được chỉ huy cho tập thêm những bài tập rèn luyện thể lực. Tập luyện căng thẳng càng làm cho Thành nhớ nhà da diết, nhưng điện thoại gọi về nhà cũng bị hạn chế bởi chiến sĩ chỉ được sử dụng điện thoại “cục gạch” gọi về nhà vào giờ nghỉ buổi tối thôi.

Theo Thành, đứng gác ngoài trời mệt nhất khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường dễ bị ốm. “May mà chúng em được luyện tập hằng ngày, thể lực được nâng cao nên sức khỏe đảm bảo để hoàn thành tốt công việc. Khi luyện tập trên K9 (Ba Vì, Hà Nội), chúng em đều trải qua thời tiết lúc nóng thì cực nóng, lúc lạnh thì rất lạnh nên dù trong hoàn cảnh thời tiết như thế nào chúng em cũng chịu đựng được hết” – Thành tâm sự.

Điểm chung của những người lính tiêu binh mà tôi tiếp là niềm tự hào luôn hiện lên trong mắt họ khi nói về công việc mình bởi nơi họ làm việc là nơi mà đồng bào cả nước luôn hướng về. Càng thấy vinh dự, họ càng ý thức cao với công việc, vì thế nhiệm vụ nào được giao họ cũng luôn hoàn thành tốt.

Đội Tiêu binh danh dự là đơn vị trực tiếp, chủ yếu thực hiện nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể: Tổ chức thực hiện tiêu binh danh dự tại cửa chính Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 24/24 giờ; tiêu binh danh dự túc trực thi hài Bác trong giờ tổ chức lễ viếng Bác; khiêng hoa, xe đẩy, đón dẫn khách viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; thực hiện nghi lễ chào, hạ cờ hàng ngày; nghi lễ Quốc gia, nghi lễ Quân đội đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nguyên thủ quốc gia viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và các nhiệm vụ nghi lễ khác khi được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh giao.